Nhật cân nhắc hội nghị 4 bên nhằm đối phó Trung Quốc

20/06/2022 11:47 GMT+7

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cân nhắc gặp gỡ lãnh đạo các nước Hàn Quốc , New Zealand và Úc bên lề cuộc họp NATO sắp tới.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida

afp

Tờ Yomiuri Shimbun ngày 20.6 đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang cân nhắc một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước Hàn Quốc, New Zealand và Úc bên lề cuộc họp NATO sắp tới, nhằm thể hiện sự đoàn kết trước Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn.

Lãnh đạo 4 nước châu Á - Thái Bình Dương này được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) từ ngày 29-30.6.

Trước đó, hãng Kyodo ngày 18.6 đưa tin Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) điều động một hạm đội đến 11 quốc gia ở khu vực Indo-Pacific (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) trong hoạt động tập trận chung với Mỹ và các nước nhằm đối phó với Trung Quốc.

Trong đợt điều động kéo dài đến ngày 28.10, hạm đội này sẽ lần đầu ghé qua các nước Fiji, Tonga và Quần đảo Solomon ở nam Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, hạm đội của Nhật sẽ ghé qua lãnh thổ New Caledonia của Pháp ở nam Thái Bình Dương, bên cạnh các nước Mỹ, Ấn Độ, Úc, Papua New Guinea, Palau, Vanuatu, Philippines và Việt Nam.

Các tàu cũng sẽ tham gia tập trận RIMPAC, Pacific Vanguard với Úc, Mỹ, Hàn Quốc và các cuộc tập trận khác.

Hạm đội sẽ gồm tàu khu trục chở trực thăng Izumo, 2 tàu khu trục khác, một tàu ngầm cùng các máy bay.

Trước đó vào tháng 4, Trung Quốc ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon, khiến nhiều bên lo ngại Bắc Kinh gia tăng hiện diện quân sự ở nam Thái Bình Dương.

Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công du nhiều nước trong khu vực từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, nhưng chưa ký được thỏa thuận chung với các nước.

Trong một diễn biến khác, tờ Financial Times ngày 19.6 đưa tin các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ vào tuần tới sẽ đưa ra dự luật kêu gọi Nhà Trắng chi thêm tiền tại khu vực Indo-Pacific nhằm đối phó Trung Quốc.

Nghị sĩ Ami Bera, chủ tịch tiểu ủy ban châu Á tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ và nghị sĩ Steve Chabot tại tiểu ủy ban này hy vọng Đạo luật Tham gia Indo-Pacific sẽ thu hẹp khoảng cách giữa những phát ngôn về khu vực châu Á ưu tiên, với mức chi trên thực tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.