Nhật hoàng tương lai và những điều đầu tiên

29/04/2019 10:44 GMT+7

Thái tử Naruhito được dự báo sẽ trở thành một Nhật hoàng chưa từng có tiền lệ, vì cuộc đời của ông trước nay có phần “khác lạ” so với truyền thống.

Vào ngày 1.5 tới, thái tử Naruhito và công nương Masako sẽ chính thức trở thành Nhật hoàng và hoàng hậu sau khi vua cha Akihito thoái vị. Hồi đầu tháng 4, chính phủ Nhật đã công bố niên hiệu cho thời kỳ giữ ngôi của tân Nhật hoàng là Reiwa (Lệnh Hòa).

Selfie với người qua đường

Vị thái tử 59 tuổi, sẽ không chỉ là Nhật hoàng đầu tiên chào đời sau Thế chiến 2, Nhật hoàng đầu tiên được cha mẹ đích thân nuôi dạy mà còn là vị quân chủ đầu tiên của Nhật Bản du học ở nước ngoài.
Là con cả trong 3 người con, thái tử Naruhito cùng em trai và em gái được mẹ là hoàng hậu Michiko đích thân chăm sóc chứ không dựa vào nhũ mẫu và gia sư như thông lệ tiền triều. Thậm chí, hoàng hậu còn đích thân đưa con đến trường và tự tay chuẩn bị đồ ăn trưa cho thái tử nhằm tạo sự gần gũi giữa hoàng tộc với dân chúng, theo Reuters.
[VIDEO] Triều đại Heisei của Nhật hoàng thoái vị Akihito để lại gì cho Nhật Bản?
Sau khi lấy bằng cử nhân và cao học về lịch sử tại Đại học Gakushuin, ông sang Anh du học tại Đại học Oxford danh giá trong giai đoạn 1983 - 1985. Được một số bạn học mô tả là người cởi mở và vui tính, thái tử vẫn giữ thái độ gần gũi ngay cả khi bắt đầu những hoạt động chính thức dưới danh nghĩa người sẽ kế ngôi Nhật hoàng. Trong chuyến thăm Đan Mạch năm 2017, thái tử Naruhito đã khiến dư luận bất ngờ với hành động chưa từng có tiền lệ là chụp ảnh selfie với những người qua đường. Hồi tháng 6.2018, ông chạy bộ cùng cô Misato Michishita, vận động viên marathon đoạt huy chương bạc trong Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympics 2016, và một số người khác trong vườn thượng uyển Akasaka ở thủ đô Tokyo. Vì thế, thái tử được kỳ vọng sẽ nối tiếp Nhật hoàng Akihito, trở thành vị vua gần gũi với quốc dân.
Nhật hoàng tương lai và những điều đầu tiên
Thái tử Naruhito chụp selfie với người qua đường ở Đan Mạch Ảnh: Chụp từ Twitter

Người chồng tận tụy

Cũng như cha mình, thái tử Naruhito đã bỏ ngoài tai mọi sự cản trở để kết hôn với người vợ có xuất thân thường dân và sẽ trở thành Nhật hoàng đầu tiên trong thời hiện đại không có con trai nối ngôi. Hồi năm 1992, thái tử Naruhito đã ngỏ lời cầu hôn công nương Masako cùng câu nói đã trở nên nổi tiếng: “Ta hứa sẽ bảo vệ em suốt đời bằng tất cả khả năng của mình”. Hôn lễ hoàng gia diễn ra vào tháng 6.1993 và từ đó đến nay, thái tử luôn giữ vững lời hứa của mình, bất chấp nhiều sóng gió.
Tuy gọi là xuất thân “thường dân” nhưng công nương Masako, 56 tuổi, là con đầu lòng của nhà ngoại giao kỳ cựu Hisashi Owada, người từng giữ vị trí Chủ tịch Tòa Tư pháp quốc tế trong giai đoạn 2009 - 2012. Bản thân công nương thông thạo 6 ngoại ngữ, từng theo học tại các trường danh tiếng thế giới như Harvard (Mỹ), Oxford (Anh)... Sau khi tốt nghiệp đại học, Masako trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp nhưng rồi cuộc đời bà rẽ sang hướng khác sau khi bén duyên với thái tử Naruhito. Tuy nhiên, từng là một phụ nữ năng động và không ngại bày tỏ chính kiến, công nương Masako được cho là gặp nhiều khó khăn trong việc thích ứng với cuộc sống đầy quy tắc trong hoàng tộc, theo tờ Asahi Shimbun. Đó là chưa kể áp lực sinh con trai vì trong một thời gian dài, không thành viên nào trong hoàng gia Nhật có con trai, thậm chí làm nảy sinh các cuộc tranh luận có nên sửa luật để phụ nữ lên ngôi hay không.
Đến năm 2003, công nương bắt đầu ít xuất hiện trong các sự kiện chính thức và phải nghỉ ngơi dài hạn vì các vấn đề sức khỏe và tâm lý. Quyết tâm bảo vệ vợ khỏi những chỉ trích và nghi ngờ của dư luận, vào tháng 5.2004, thái tử Naruhito tiếp tục khiến những người bảo thủ phải ngỡ ngàng khi công khai thông báo: “Có những sự việc ngăn trở công việc và tính cách của công nương Masako”, và công nương đã “hoàn toàn kiệt sức”. Tờ The Japan Times dẫn một số nguồn tin tiết lộ thái tử đã giấu mọi tờ báo và tạp chí có nội dung chỉ trích để tránh ảnh hưởng đến vợ.

Sự trở lại của công nương

15 năm đã trôi qua kể từ thời khắc công khai bệnh tình của công nương Masako và dường như cuộc sống tràn đầy yêu thương cùng chồng và con gái, quận chúa Aiko (18 tuổi) đã giúp bà cải thiện sức khỏe. Bên cạnh đó, áp lực về thừa kế cũng qua đi sau khi vợ chồng thân vương Fumihito, em trai thái tử, có con trai là thân vương Hisahito vào năm 2006. Vào tháng 11.2018, công nương Masako lần đầu tiên sau nhiều năm đã tham gia sự kiện chiêu đãi lớn diễn ra 2 năm một lần ở vườn thượng uyển với khoảng 1.800 vị khách. Theo Reuters, công nương bận rộn nói chuyện với khách khứa đến nỗi hai vợ chồng thái tử tụt lại khá xa vị trí của Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko. Dù thế, thái tử Naruhito vẫn không hề thúc giục vợ mình mà chỉ ôn hòa ngắm nhìn bà.
Trước đây, thái tử Naruhito tham gia nhiều cuộc đối thoại quốc tế về vấn đề nước sạch, và hiện ông tỏ dấu hiệu muốn tiếp tục đóng góp trong công cuộc bảo vệ môi trường. Thái tử cũng đặc biệt kêu gọi nam giới tại Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào quá trình nuôi dạy con cái, hiện vẫn là điều hiếm thấy ở nước này. Trong khi đó, công nương Masako liên tục bày tỏ sự quan tâm với những trẻ em phải sống trong tình cảnh khó khăn. “Khi nghĩ về những ngày sắp đến, tôi không rõ mình có thể hữu dụng đến mức nào nhưng tôi sẽ nỗ lực hết mức để hỗ trợ thái tử và đất nước”, công nương chia sẻ vào sinh nhật năm ngoái. Về phần mình, dù công việc bộn bề trong những ngày trước khi đăng cơ, Nhật hoàng tương lai vẫn chú ý đến sức khỏe của vợ. “Tôi mong mỏi luôn kề bên công nương và tiếp tục toàn lực ủng hộ vợ mình. Tôi hy vọng mọi người sẽ chân thành dõi theo sự hồi phục của cô ấy”, Reuters dẫn lời thái tử Naruhito nói hồi tháng 2.

Tuần lễ vàng

Theo quy định của Nhật về các ngày nghỉ lễ, giai đoạn từ ngày 29.4 đến ngày 3 hoặc 6.5 hằng năm là kỳ nghỉ kéo dài của toàn quốc do có nhiều dịp lễ quan trọng liên tiếp và đây được xem là “tuần lễ vàng” cho ngành du lịch, bán lẻ của nước này. Năm nay, “tuần lễ vàng” được kéo dài đến 10 ngày, bắt đầu từ 27.4 để mừng sự kiện Nhật hoàng Akihito thoái vị và thái tử Naruhito lên nối ngôi. Theo tờ The Japan Times, từ cuối tuần trước, người dân khắp nhiều tỉnh thành đổ xô về thủ đô Tokyo để chứng kiến những thời khắc quan trọng của đất nước. Địa điểm thu hút du khách trong lẫn ngoài nước dịp này là khu vực xung quanh hoàng cung. “Tôi muốn đến đây để có được kỷ niệm đáng nhớ trước khi thời đại thay đổi từ Heisei sang Reiwa”, bà Junko Suzuki, 48 tuổi, từ tỉnh Akita, nói với The Japan Times. Trong khi đó, ông Iichi Shimada đến từ Yokohama bày tỏ: “Tôi hy vọng trong thời Reiwa sẽ không xảy ra bất cứ cuộc chiến hay thiên tai nào”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.