Nhặt kính vụn ven đường về nhà, ông Tây tạo ra nhiều sản phẩm gây “choáng”

20/05/2021 10:58 GMT+7

"Ông Tây" Gabriel Meranze Levitt, 43 tuổi, người Mỹ, đã có hẳn một bộ sưu tập đồ dùng từ kính vụn ven đường. Suốt 12 năm ở Việt Nam, ông tìm thấy niềm cảm hứng nghệ thuật từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi ấy.

Sang Việt Nam từ 12 năm trước, "ông Tây" Gabriel điều hành một doanh nghiệp xã hội chuyên nhận giúp việc nhà cho người nước ngoài tại TP.HCM.
Cách đây 3 năm, ông cùng bà xã có dịp đến New Zealand và gặp lại một số người bạn. Mặc dù công việc chính của họ không đòi hỏi nhiều tính sáng tạo nhưng họ luôn tự kiếm thêm việc khác để thực hiện vào cuối ngày như hội họa, chơi guitar hay làm các tác phẩm với cát… Gabriel thấy đó là điều mà ông vẫn thiếu trong cuộc sống, bởi vậy sau khi trở về Việt Nam, ông quyết định phải kiếm cái gì đó để làm: “Chưa biết là cái gì nhưng phải sáng tạo”.

Ông Gabriel Meranze Levitt tìm thấy cảm hứng với công việc tái chế kính cũ

Lê Nam

Những ngày thường nhật, khi đi gặp khách hàng hoặc nhân viên, trên đường đi, ông thấy nhiều tấm kính bỏ bên đường. “Lúc đó, tôi vẫn phải đi để hoàn thành nốt công việc với mọi người nhưng tôi sẽ nhớ tấm kính này nằm ở đâu. Sau khi đã làm xong công việc phải làm, tôi quay lại bên đó để mang nó về”, ông kể.
Gabriel bắt đầu hành trình tạo ra các sản phẩm đồ dùng, vật dụng tái chế từ kính vụn, kính cũ bỏ đi sau khi những ý tưởng bắt đầu xuất hiện trong đầu ông từ lúc nhìn thấy những tấm kính.
“Thật sự tôi chưa bao giờ cắt kính, chưa bao làm việc với kính nhưng tôi cảm giác nếu tôi học cái này thì tôi có thể làm việc với kính và sản xuất đồ mà tôi muốn”, ông nói. 

Các tác phẩm tái chế từ kính vụn, kính cũ được treo đầy trên tường nhà

Lê Nam

Trong căn nhà của Gabriel tại một hẻm nhỏ ở Thảo Điền, Q.2, ông treo đầy các tác phẩm bằng kính với đủ kích cỡ khác nhau. Đó là những khung treo đầy các bức ảnh gia đình, về người vợ thân yêu và cô “công chúa” nhỏ; những ngôi sao lớn và tấm gương hình đôi mắt đầy ấn tượng về mặt thị giác...
Ông còn có những tác phẩm lớn như một cô bé bằng kính nặng khoảng 7kg được treo ở ô thoáng cuối nhà, tác phẩm này được ông dành hẳn 5 tuần để hoàn thiện. Mỗi khi xoay giữa không gian, cô bé kính với mái tóc xoăn bay trong gió phản chiếu những ánh nắng lấp lánh vào mặt tường, tạo điểm nhấn ấn tượng khi bước vào căn nhà. 

Gabriel Meranze Levitt có một nơi làm việc với những tấm kính ở sân thượng

Lê Nam

Khi được khen về khả năng nói tiếng Việt nhuần nhuyễn, Gabriel vui vẻ cho biết: “Có thể não của tôi rất cởi mở với nhiều thứ tiếng khác nhau. Trước khi tôi đến Việt Nam, tôi đã nói tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và Thái Lan nữa. Khi tới Việt Nam, tôi nghĩ mình phải học nói tiếng Việt liền”.
Ông đã dành 1 tiếng 30 phút/ngày, 6 ngày/tuần trong vòng 2 năm ở Hà Nội để học và rèn luyện tiếng Việt. "Ông Tây" Gabriel cũng thú nhận muốn có nhiều bạn bè Việt Nam hơn là gặp gỡ những người nước ngoài khi ở đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.