'Gương mặt em giờ đã cân đối, nhờ các bác sĩ của Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội ghép xương tái tạo xương hàm mặt. Trước khi điều trị, nguy cơ gương mặt biến dạng do phải cắt bỏ xương hàm do khối u phá hủy khiến em vô cùng lo lắng', một nữ bệnh nhân trẻ chia sẻ.
Bác sĩ CKII Nguyễn Mạnh Hà kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau ghép xương hàm dưới - Ảnh: Ngọc Thắng |
Trả lại vẻ đẹp ban đầu
Những gương mặt biến dạng do bệnh lý, tai nạn đã được phục hồi nhờ kỹ thuật vi phẫu tái tạo khuyết hổng xương hàm dưới bằng ghép vạt xương mác, được thực hiện tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội.
Bệnh nhân nữ Triệu Thị H. (32 tuổi, ở Bắc Giang) đến bệnh viện do căn bệnh u men xương hàm dưới. Kết quả chụp chẩn đoán cho thấy khối u đã phá hủy, gây tổn thương toàn bộ xương hàm dưới trái. Các bác sĩ xác định bệnh nhân cần phẫu thuật cắt toàn bộ 1/2 xương hàm dưới bên trái, chỉ giữ lại lồi cầu, với chiều dài 11,5 cm. “Sau khi phẫu thuật cắt đoạn xương hàm dưới trái, chúng tôi đã quyết định lấy xương mác của bệnh nhân, tiến hành ghép xương tái tạo lại xương hàm dưới vùng khuyết hổng bằng kỹ thuật vi phẫu nhằm phục hồi giải phẫu và chức năng cho bệnh nhân”, bác sĩ CK II Nguyễn Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt cho biết.
“Sau điều trị, không chỉ khỏi bệnh, các bác sĩ đã giúp em có lại được gương mặt như của mình vốn có, điều mà em không thể nghĩ tới”, Triệu Thị H. vui mừng trong ngày ra viện.
Trước đó, chị Bùi Thị Thái D. (49 tuổi, ở Hà Tĩnh) nhập viện điều trị trong tình trạng khuôn mặt bị lép một bên do chỉ còn nửa hàm dưới. Hơn hai năm trước, chị đã phải phẫu thuật cắt xương hàm dưới do u men. Bệnh nhân đã được ghép xương mác bằng kỹ thuật vi phẫu tạo hình hàm mặt. Một tuần sau phẫu thuật, chị D. xuất viện với gương mặt “mới” vẹn nguyên vẻ đẹp.
Trăn trở cùng người bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà: “Bệnh nhân D. và H. đã được phẫu thuật tái tạo xương hàm dưới bằng vạt xương mác bằng kỹ thuật vi phẫu. Xương mác được lấy ở vùng cẳng chân của bệnh nhân cùng với bó mạch mác, được tạo hình theo đúng hình dáng đoạn xương hàm đã cắt bỏ và ghép vào vùng khuyết hổng. Kỹ thuật này có thể tái tạo được những đoạn khuyết lớn mà các kỹ thuật ghép khác không thực hiện được. Xương mác sau ghép sẽ được nuôi dưỡng bởi các mạch máu ở vùng xương hàm dưới, do đó tỷ lệ thành công cao”.
Hơn hai trăm bệnh nhân đã được phẫu thuật vi phẫu tái tạo xương hàm dưới bằng ghép vạt xương mác tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội từ năm 2012, với 100% xương ghép thành công. “Niềm vui của người bệnh cũng là niềm vui của mỗi y bác sĩ trong khoa. Sau mỗi cuộc phẫu thuật vi phẫu, các phẫu thuật viên chúng tôi luôn phải theo dõi thật sát sao diễn biến của bệnh nhân và của vạt xương ghép, chỉ yên tâm khi toàn trạng của bệnh nhân ổn định và phần da của xương ghép có được sắc hồng, thể hiện phần ghép đó được máu nuôi dưỡng tốt, cho biết cuộc mổ thành công”, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ.
Bác sĩ cho biết, vi phẫu tái tạo khuyết hổng xương hàm dưới bằng ghép xương mác tự thân giúp tái tạo lại đường viền khuôn mặt. Đặc biệt, xương hàm sau ghép được nuôi sống cho phép phục hình răng bằng cấy ghép implant, nhờ đó phục hồi được tốt nhất chức năng ăn nhai cho người bệnh.
Vi phẫu ghép xương đòi hỏi các phẫu thuật viên giỏi về chuyên môn và khéo léo, tinh tế về thẩm mỹ cũng như cần một cơ sở trang thiết bị hiện đại. Để thành công, còn có đóng góp quan trọng của kíp gây mê. Ca ghép xương thường kéo dài trong 6 - 8 tiếng, với hỗ trợ của thiết bị hiện đại, các bác sĩ gây mê phải đưa huyết áp về chỉ số phù hợp để giúp kiểm soát chảy máu trong phẫu thuật.
Bình luận (0)