Câu chuyện được tài khoản Trịnh Mai đăng tải lên mạng xã hội: “Đây là 4 quyển nhật ký được ông nội mình viết từ cuối năm 1961 đến năm 1969. Thời điểm này đất nước vẫn chưa hòa bình, ông mình đi học và công tác xa quê hương nên từng dòng tâm tư được ông gửi trọn vào những trang nhật ký”. Bài viết đã nhận được hàng nghìn lượt thích, bình luận và chia sẻ trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Đa phần mọi người đều thể hiện sự xúc động, hoài niệm sau khi đọc những dòng nhật ký thời “ông bà anh”.
Ông nội chị Mai (cụ ông ngồi bên trái) chụp ảnh cùng con cháu dịp tết 2021 |
gia đình cung cấp |
Quá bất ngờ !
“17.11.1961, những ngày sống có ý nghĩa, có hạnh phúc là những ngày sống có đấu tranh cho ngày mai và hiện tại. Bước vào cuộc sống mới xa gia đình, quê hương bao nhiêu khó khăn về tình cảm, về đời sống vật chất lại diễn ra. Học nhiều, ăn ít, kỷ luật gò bó… Cuộc sống mới đòi hỏi phải đấu tranh gay gắt với ăn, ngủ, giờ giấc học tập. Tôi đã đấu tranh rất quyết liệt để sửa chữa những thiếu sót, để dần từ biệt chủ nghĩa cá nhân. Được sự giúp đỡ của tập thể, nhất định tôi sẽ làm được”. Những dòng đầu trong quyển nhật ký ở tuổi 19 của một cụ ông đã khiến nhiều người không kìm lòng được mà tìm đọc đến những trang tiếp theo. “Bài viết của bạn đã giữ chân mình cả tiếng đồng hồ. Cảm ơn bạn và gia đình đã giữ kho báu này cẩn thận để bây giờ nó được lan tỏa đến thế hệ chúng mình”, tài khoản Thanh Lịch viết.
Những trang nhật ký 60 năm gây nhiều xúc động |
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, người chia sẻ những dòng nhật ký này là chị Ngọc Mai (21 tuổi), hiện đang sống ở H.Hưng Hà, Thái Bình. Mai tâm sự ông nội chị chính là người đã viết những dòng nhật ký gây xúc động mạnh với cư dân mạng. “3 tháng trước, ông mình mất ở tuổi 80. Cả nhà đã tìm thấy nhiều kỷ vật ông đã giữ gìn suốt cả một đời, trong đó có 4 quyển nhật ký. Mình đã dành hết 3 tiếng đồng hồ để đọc hết nó, và đã khóc rất nhiều, cứ như được xem lại những thước phim về tuổi trẻ của ông”, cô gái xúc động kể và cho biết ở đó cô nhận ra những dòng nhật ký từ cuối năm 1961 đến hết năm 1968 của ông chủ yếu viết về chiến tranh, về nỗi nhớ nhà, và nhớ bạn bè chí cốt. Còn nhật ký của năm 1969 lại là nỗi nhớ “em yêu”, cách xưng hô thân mật mà ông dành cho bà.
Chị Mai tiếp lời: “Từ xưa đến giờ, mình chỉ nghĩ là ông giỏi toán thôi, vì ông là một kỹ sư điện. Nhưng đọc nhật ký của ông, mình còn nhận ra ông có một tâm hồn văn chương nữa. Quá bất ngờ! Quyển nhật ký phần nào xoa dịu nỗi đau vừa mất ông của gia đình mình”.
Một tấm gương sống mẫu mực
Chia sẻ những dòng nhật ký của ông lên mạng xã hội để lan tỏa một chút năng lượng tích cực đến với mọi người, chị Mai ngạc nhiên khi nhận quá nhiều những phản hồi tốt. Đọc những bình luận, chị vui và hạnh phúc vì nhiều người đã đọc hết và dành trọn tình cảm cho ông nội mình.
Anh Trịnh Xuân Nam (29 tuổi, anh chị Mai) tâm sự thời gian qua anh sống và làm việc tại Hà Nội nên chưa có điều kiện để đọc những quyển nhật ký của ông. Khi em gái chia sẻ lên mạng xã hội, anh đã hết sức bất ngờ, và đã đọc hết từng câu từng chữ. Có lẽ, những dòng ông viết về bà nội, với anh, là những dòng xúc động nhất: “Em là hạnh phúc tôn kính của đời anh…”.
“Bà tôi mất 15 năm rồi, và từ đó ông dành trọn thời gian chăm sóc con cháu, chăm nom bàn thờ bà. Tôi là cháu đích tôn trong nhà, cũng gắn bó và có nhiều kỷ niệm với ông. Với tôi, ông là người ông đáng kính, yêu thương con cháu hết mực và là tấm gương về lối sống để con cháu noi theo”, anh tâm sự.
Với gia đình anh Nam, chị Mai, dù ông đã mãi ra đi nhưng những dòng nhật ký của ông vẫn còn đó và luôn được con cháu trong nhà nâng niu, giữ gìn như báu vật. Qua đó, ông luôn trong tim mọi người.
Bình luận (0)