Nhật Bản ngày 11.3 tưởng niệm hàng ngàn người thiệt mạng trong trận động đất - sóng thần ngày 11.3.2011. Năm năm trôi qua nhưng nỗi đau lẫn những cuộc tranh cãi về việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa kết thúc.
Lồng đèn được thắp sáng trong lễ cầu nguyện cho các nạn nhân thảm họa động đất - sóng thần ngày 11.3.2011 - Ảnh: Reuters |
Năm năm trước, ngày 11.3.2011, trận động đất 9 độ Richter ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Nhật Bản gây ra đợt sóng thần ập vào bờ; 18.500 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, theo AFP.
Sóng thần cũng kéo theo thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl hồi năm 1986 ở Ukraine. Ba lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị rò rỉ phóng xạ ra một khu vực rộng lớn xung quanh, làm ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm và không khí.
Trên 160.000 người dân sống gần nhà máy Fukushima đã được sơ tán đến những thị trấn lân cận. Khoảng 10% trong số này vẫn đang sống trong những căn nhà tạm bợ khắp tỉnh Fukushima. Những người khác phải rời khỏi tỉnh để bắt đầu cuộc sống mới. Một số khu vực ở Fukushima hiện vẫn trong tình trạng “cấm đến” do độ phóng xạ cao.
Ảnh chụp từ trên cao ngày 10.3.2016 cho thấy đèn được thắp sáng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima - Ảnh: Reuters
|
Ở bờ biển Rikuzentakata, nơi bị ngọn sóng thần cao 17 m san bằng và 7% dân số tại đây thiệt mạng, nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai.
“Chúng tôi đã tái thiết cơ sở hạ tầng, nhưng nỗi đau vẫn chưa nguôi”, theo lời ông Eiki Kumagai, một lính cứu hỏa tình nguyện đã mất 51 đồng nghiệp, trong đó nhiều người thiệt mạng trong lúc hướng dẫn người dân sơ tán đến nơi an toàn.
“Tôi vẫn còn thấy hình ảnh từng khuôn mặt những đồng nghiệp đã chết”, ông Kumagai nói.
Nhật hoàng Akihito và Thủ tướng Shinzo Abe cùng các quan chức cấp cao Nhật Bản sẽ tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân thảm họa động đất - sóng thần lần thứ 5 vào lúc 14 giờ 46 (12 giờ 46 theo giờ Việt Nam) ngày 11.3. Cùng lúc với tiếng chuông vang lên tại trung tâm thủ đô Tokyo, nhiều người dân khắp nước Nhật sẽ cúi đầu tưởng niệm những người thiệt mạng. Tất cả tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo sẽ ngừng hoạt động đánh dấu khoảnh khắc trận động đất bắt đầu.
'Bóng ma' hạt nhân
Ngoài những buổi lễ cầu nguyện, viếng thăm mộ, hoạt động tưởng niệm các nạn nhân bao gồm cả những cuộc biểu tình phản đối việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân.
Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân. Ảnh chụp ở Tokyo tối 10.3.2016 - Ảnh: Reuters
|
Chính quyền Abe tuyên bố tiếp tục chi ngân sách hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng do thảm họa 11.3.2011, nhưng ông Abe cũng khẳng định nước Nhật “không thể làm gì nếu không có điện hạt nhân” và chính phủ của ông sẽ không thay đổi chính sách cho phép tái khởi động những lò phản ứng hạt nhân đạt tiêu chuẩn an toàn mới.
Sau thảm họa ngày 11.3.2011, các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã bị ngừng hoạt động. Chính phủ Nhật sau đó đưa ra tiêu chuẩn an toàn hạt nhân mới và một số lò phản ứng đạt chuẩn đã được tái khởi động. Dù vậy việc này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân và quan chức Nhật Bản, theo AFP.
Bình luận (0)