Nhật ký trong tù đã trở thành tác phẩm đầu tiên của nền thơ ca cách mạng Việt Nam lay động, đánh thức lương tâm nhiều người Mỹ ngay khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn quyết liệt nhất.
Cuốn The Prison Diary Of Ho Chi Minh in khổ 13x19 dày 104 trang trên giấy tốt do nhà xuất bản A Bantam Book ấn hành 8,1971, giá bìa ghi 1,25 USD. Ngoài bìa, trên đầu cùng in dòng chữ lớn: Phát hành lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Giữa bìa là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhật ký trong tù bản tiếng Anh do Aileen Palmer dịch, Harrison E.Salisbury giới thiệu và Phan Nhuận viết đề tựa hết sức trân trọng. Salisbury đã mô tả Người như một lãnh tụ giản dị và gần gũi với nhân dân, giới thiệu với độc giả Mỹ quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác ở tuổi 20, lý do Bác trở thành người cộng sản, sự nghiệp làm báo ở nước ngoài và hoàn cảnh viết Nhật ký trong tù... Có một đoạn Salisbury viết: “Ông trở thành người cộng sản bởi ông tin rằng những người cộng sản mới có thể xả thân mang lại độc lập và tự do cho đất nước".
Trong lúc đó, Tiến sĩ Phan Nhuận đã kể lại những đối thoại của Bác với báo giới ở Paris tháng 7.1946 và trước đó, những năm tháng ở nhà tù và làm thơ ở Trung Quốc... với đoạn kết rất cảm động: "Hồ Chí Minh là một con người tài trí và nhạy cảm. Cuộc sống riêng và chung của Người không có điều gì bí mật. Với Người, trước nỗi đau khổ của con người là cả tiếng gọi để hành động lẫn cảm xúc thi ca...".
Nhật ký trong tù đã đến với người đọc Mỹ cách đây đã hơn 30 năm bằng chính nỗ lực của những nhà trí thức tiến bộ Mỹ. Nhưng cũng có thể nói, chính Nhật ký trong tù đã trở thành tác phẩm đầu tiên của nền thơ ca cách mạng Việt Nam lay động, đánh thức lương tâm nhiều người Mỹ ngay khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn quyết liệt nhất.
Bình luận (0)