Nhật ký World Cup 2018: Chuyện kiếm tiền thời World Cup

24/06/2018 09:03 GMT+7

World Cup 2018 là giải đấu mà các hoạt động kinh doanh ăn theo bị kiểm soát gắt gao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.

[VIDEO] Nhà báo Đỗ Hùng ghi nhận về CĐV trận Đức - Thụy Điển 
Bên ngoài sân Luzhniki ở Moscow, tan trận Bồ Đào Nha - Ma Rốc, trong khi đám đông đang túa ra từ sân vận động, cụ Vladimir sống gần đấy đem một dàn nhạc mini ra hát. Những bài ca của thời Xô Viết vang lên, đám đông hò reo, nhún nhảy theo bản Ka-chiu-sa bất hủ. Trong chốc lát, một góc bên ngoài ga tàu điện Sportivnaya trở nên sôi động. Cụ Vladimir không phải hát để kiếm tiền, nhưng vài người thích nhạc đã hào phóng tặng cụ những tờ 100 ruble. Ngay lập tức, một anh cảnh sát chìm xuất hiện, kín đáo trình thẻ công vụ cho cụ thấy và yêu cầu cụ ngưng biểu diễn. Đám đông lập tức tan ngay.
Ở phố đi bộ Nikolskaya dẫn tới Quảng trường Đỏ, giữa dòng người cuồn cuộn trước trận Bỉ - Tunisia, anh Nikita Morozov bày bộ đồ nghề ra để vẽ mặt cho cổ động viên. Chuyện làm ăn khởi đầu có vẻ rất dễ dàng khi xung quanh anh luôn có hàng chục người xúm lại. Anh lấy giá 50 ruble một lần vẽ cờ lên mặt. Thế nhưng, chỉ sau chốc lát, công cuộc kinh doanh đã đổ bể khi có sự xuất hiện của cảnh sát. Morozov được yêu cầu ngưng ngay lập tức việc kinh doanh tự phát.
Đây không phải là những ví dụ riêng lẻ, khi một số người mở dịch vụ “ăn theo” World Cup bị làm khó. Câu chuyện này liên quan đến các biện pháp quản lý thuế, siết chặt các hoạt động tự phát trong mùa giải và nằm trong nỗ lực tổ chức một kỳ World Cup thành công của Tổng thống Putin.
Tại World Cup 2018, việc quản lý vé với hệ thống Fan ID được làm rất chặt chẽ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất hoạt động bán vé lậu và vé giả. Tuy nhiên, hoạt động bán vé bên ngoài các kênh chính thức vẫn tràn lan. Nhiều người mua đi bán lại kiếm lời, có người lỡ mua rồi nhưng gặp chuyện đột xuất không xem được cũng bán. Mua với giá 100 - 200 USD, giờ bán gấp 3 - 4 lần, thậm chí có khi tới 7 - 8 lần. Ngoài ra còn có nhiều tổ chức tội phạm bán vé giả với quy mô lớn. Hồi đầu tuần này, cảnh sát đã phát hiện một đường dây bán vé giả quy mô lớn, với nạn nhân bao gồm hơn 1.000 người Trung Quốc. Một nhân vật có tiếng trong làng bóng đá Nga đã bị bắt với cáo buộc tổ chức mạng lưới bán vé giả lên tới gần 1 triệu USD này.
Ở các mùa World Cup và EURO trước, rất dễ dàng để tìm thấy những quầy ăn uống được mở ra bên ngoài khu vực quản lý của ban tổ chức xung quanh các sân vận động. Những quầy đồ nướng được dựng lên trước mỗi trận đấu, những dịch vụ vẽ mặt dạo, những quầy hàng rong.
Tôi có anh bạn Carlos Brum từ Bồ Đào Nha thường lái xe đi cổ vũ đội tuyển. Mỗi chuyến đi như vậy, anh chở rất nhiều áo, mũ, mặt nạ để bán cho cổ động viên, vừa giúp người xem có “đồ chơi” để cổ vũ cho khí thế, vừa kiếm thêm chút đỉnh bù đắp chi phí để có thể trụ lại suốt một tháng trời ở mỗi giải đấu. Khi lái xe gần 6.000 km từ Bồ Đào Nha tới Nga, Carlos cũng chở theo những thùng hàng như vậy. Nhưng rồi anh đã gặp rắc rối với cảnh sát Nga. “Họ không cho tôi bán.
Hôm rồi vừa từ Sochi trở lại Moscow, tôi bày mấy cái khăn ra bán thì bị cảnh sát ngăn chặn”, anh nhắn với tôi qua Facebook. Tôi bảo anh hãy tặng mọi người đi, anh cười: “Tôi sẽ tặng anh một cái áo Ronaldo”. Tôi mừng hết lớn trong khi anh nẫu ruột. Tôi bèn an ủi anh tạm dẹp chuyện bán buôn, Bồ Đào Nha và Ronaldo đang đá rất hay, hãy vui vì điều đó. Anh “OK” ngay.
Hầu hết hoạt động kinh doanh ăn theo gặp khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả đều phải bỏ cuộc. Tôi biết rất nhiều người làm dịch vụ bán đồ lưu niệm, chẳng hạn bán các tờ tiền mệnh giá 100 ruble đặc biệt dành cho World Cup. Nhiều bạn trẻ đã “gom hàng” từ sớm, và giờ đang tung ra bán cho người hâm mộ với giá cao từ 3 đến 8 lần mệnh giá của tờ tiền này. Giá cao và luôn khan hàng, chỉ nhìn qua là đủ biết mấy anh này kiếm được bộn tiền.
Một trong những dịch vụ ăn theo béo bở nhất mỗi mùa World Cup và EURO là bán vé chợ đen, trong đó có cả hoạt động bán vé giả. Tại World Cup 2014, hoạt động bán vé chợ đen rất sôi nổi, gần như công khai khiến ban tổ chức phải nhiều phen lên tiếng cảnh báo người hâm mộ cần cẩn trọng khi tìm kiếm vé từ các kênh không chính thức. Bên ngoài sân Stade de France ở Pháp vào năm 2016, tôi từng chứng kiến những khán giả mua vé chợ đen phút chót để xem trận chung kết EURO đã khóc thét lên như trẻ con vì mua phải vé giả. Giá mỗi tấm vé như vậy từ 500 - 1.000 euro, vừa mất tiền vừa không được xem trận đấu trong mơ, thật là một nỗi đau khôn cùng. Do mỗi chiếc vé được mã hóa và khi vào sân có máy quét mã để kiểm tra nên vé giả đương nhiên bị phát hiện dễ dàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.