Nhật lo chi phí cho nạn nhân thảm họa hạt nhân 1945 đi kể chuyện

25/02/2018 10:31 GMT+7

Từ tháng 4 tới, chính phủ Nhật Bản sẽ chu cấp chi phí đi lại cho những nhân chứng sống để họ chia sẻ về ký ức liên quan đến thảm họa tấn công hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Đã 73 năm kể từ ngày Mỹ thả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, cướp đi mạng sống của hơn 200.000 người. Theo thống kê của cơ quan chính phủ Nhật Bản, những nạn nhân sống sót sau vụ nổ (được gọi là hibakusha) tính đến tháng 3.2017 là khoảng 164.621 người, với độ tuổi trung bình là 81,4, theo Kyodo News.
Hibakusha được xác định gồm những người ở trong bán kính vài km tính từ tâm vụ nổ, những người ở trong bán kính 2 km tính từ tâm vụ nổ trong vòng 2 tuần kể từ khi vụ nổ xảy ra, những người bị phơi nhiễm do bức xạ của vụ nổ và trẻ do phụ nữ thuộc một trong ba nhóm trên mang thai.
Theo Kyodo News, từ năm 2012, hai thành phố trên bắt đầu đào tạo cho khoảng 100 nạn nhân và cử họ đến các khu vực khác để kể chuyện. Chi phí khi đó do các đơn vị tiếp nhận đài thọ. Tuy nhiên, do gánh nặng tài chính về ăn ở và đi lại, có một chính quyền địa phương buộc phải hủy kế hoạch tiếp nhận những nhân chứng sống của vụ tấn công hạt nhân duy nhất trong lịch sử thế giới.
Nhằm giảm gánh nặng này, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã dành khoảng 30 triệu yên (tương đương 280.000 USD) trong dự thảo ngân sách năm 2018 để tài trợ. Theo đó, chính phủ sẽ lo chi phí đi lại cho những “người kể chuyện” cả ở Nhật và nước ngoài. Bên cạnh đó, chính quyền còn đào tạo tiếng Anh miễn phí cho họ trước khi ra nước ngoài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.