Đó là những mối quan hệ có tính chính trị chứ không phải quan hệ thương mại thuần túy. Các doanh nghiệp (DN) ra đời và hoạt động nhờ vào “quan hệ” với giới quan chức, mà không phải dựa vào vốn hay nội lực của bản thân nó. Và các “quan hệ” giữa quan chức và những DN sân sau chung quy cũng lại được đo đếm bằng “tiền”.
Nên cũng không phải không có lý khi kiến nghị nổi bật nhất của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội vừa qua là làm rõ những biểu hiện “sân sau”, “lợi ích nhóm” trong các vụ đại án liên quan đến quan chức. Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát và công bố rõ cho nhân dân biết có bao nhiêu cán bộ, công chức, kể cả đại biểu dân cử, có công ty sân sau, có lợi ích, “chống lưng” cho các DN vi phạm pháp luật. Vũ “nhôm” làm tha hóa các quan chức (bằng tiền) hay chính các quan chức đã “sử dụng” Vũ “nhôm” làm bình phong cho hành vi tham nhũng của họ?
Những mối quan hệ không minh bạch giữa quan chức và các công ty thân hữu (gồm cả DN nhà nước và tư nhân) không còn là “dấu hiệu” mà nó được lượng hóa bằng những khu đất “vàng” được bán giá bèo, những dự án nghìn tỉ được chỉ định thầu, những chính sách được ban hành thiếu minh bạch…
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đáng lo nhất chính là “lợi ích nhóm”, do “tư bản thân hữu”, tức là từ ngay trong những cán bộ có chức, có quyền chứ không phải từ đâu xa xôi.
Giải quyết vấn đề “sân sau” của quan chức, do đó, không chỉ là nhằm giải tỏa bức xúc cho người dân, mà còn mang ý nghĩa quyết định cho con đường phát triển của đất nước. Khi các DN coi việc kinh doanh chỉ là phụ sau việc quan hệ, lobby, chạy dự án… thì hệ lụy của nó sẽ là môi trường kinh doanh bị vẩn đục, người làm ăn chân chính, lương thiện lại bị thua thiệt, bị chèn ép; nạn tham nhũng càng tinh vi và trầm trọng, niềm tin của người dân vì thế ngày càng giảm sút.
Thái độ quyết liệt chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước thời gian qua có vai trò quan trọng để gửi đi thông điệp loại bỏ “lợi ích nhóm”, “chủ nghĩa thân hữu”. Nhưng cái gốc vẫn phải là việc xóa bỏ những cơ chế tạo ra tham nhũng chính sách và tăng cường năng lực giám sát cả từ bên trong lẫn bên ngoài bộ máy nhà nước. Việc chuyển giao DN nhà nước trực thuộc bộ, ngành về một cơ quan chủ quản thống nhất vừa qua là một ví dụ cụ thể để giảm thiểu rủi ro “lợi ích nhóm”.
Chính phủ liêm chính là Chính phủ mà ở đó có các công cụ hữu hiệu để chi tiết hóa đạo đức công chức. Chỉ khi Chính phủ chi tiết hóa được các hành vi được phép và không được phép của cán bộ, công chức và minh bạch mọi hoạt động của cơ quan công quyền thì mới có cơ hội, trước là bảo vệ được đội ngũ cán bộ, sau là đề cao sự liêm chính của doanh nhân.
Bình luận (0)