Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi dự hội nghị quốc phòng với quan chức các nước Thái Bình Dương hồi tháng 9.2021 |
Ảnh chụp màn hình kyodo News |
Tờ Yomiuri mới đây dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác nhận nước này sẽ mở đại sứ quán tại Cộng hòa Kiribati trong năm nay và một văn phòng lãnh sự tại New Caledonia, lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp.
Đại sứ quán Nhật tại Fiji hiện kiêm nhiệm luôn cho hoạt động ngoại giao với các nước Kiribati, Nauru và Tuvalu.
Việc mở cơ quan đại diện ngoại giao mới của Nhật được cho là một phần nỗ lực nhằm cạnh tranh sức ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực.
Theo tờ South China Morning Post ngày 2.1, Nhật bắt đầu lo ngại khi Kiribati vào tháng 9.2019 trở mặt với Đài Loan để lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Theo sau đó vài tháng, Quần đảo Solomon cũng làm điều tương tự.
Điều mà giới chức Nhật cùng các đồng minh như Úc, New Zealand và Mỹ lo ngại là các nước Thái Bình Dương như Kiribati dễ rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc và phải chịu hy sinh các cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng biển, sân bay để trả nợ.
Đảo quốc Thái Bình Dương Samoa hủy dự án cảng 100 triệu USD do Trung Quốc đầu tư |
Do đó, thời gian qua, Nhật Bản cũng như Úc và Mỹ đã có những động thái nhằm làm đối trọng với việc đầu tư, viện trợ từ Trung Quốc. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Lowy (Úc), Bắc Kinh đã viện trợ và cho vay ít nhất 1,5 tỉ USD cho các nước Thái Bình Dương từ năm 2006 - 2017.
Hồi tháng 7, Thủ tướng Nhật khi đó là ông Yoshihide Suga kêu gọi thắt chặt mối quan hệ với 14 đảo quốc Thái Bình Dương và hai vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp là New Caledonia và Polynesia. Ông Suga còn cam kết cung cấp vắc xin Covid-19 và các hình thức viện trợ kinh tế khác cho khu vực này.
Tháng 12.2021, Úc, Nhật và Mỹ cũng tham gia dự án xây dựng tuyến cáp ngầm nhằm cải thiện tiếp cận internet cho 3 nước Kiribati, Nauru và Liên bang Micronesia.
Cùng năm, Úc cũng cam kết chi 300 triệu USD cho các dự án hạ tầng trên khắp khu vực, bao gồm viễn thông, y tế và giao thông nhằm giúp các nước phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tháng 6.2021, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lắp đặt tuyến cáp ngầm viễn thông tại khu vực bị phá sản sau khi Mỹ cảnh báo sự liên quan của công ty Trung Quốc có thể gây đe dọa an ninh quốc gia.
Ngoài tiềm năng kinh tế, các đảo quốc Thái Bình Dương còn giữ vai trò chiến lược về an ninh. Hồi tháng 9.2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi chủ trì cuộc đối thoại quốc phòng cùng 13 đảo quốc Thái Bình Dương nhằm siết chặt hợp tác để duy trì trật tự hàng hải trước những thách thức từ hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Úc, New Zealand, cũng như các nước châu Âu đã tăng cường hiện diện tại khu vực, cho mục tiêu giữ các đảo quốc Thái Bình Dương tránh xa tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Bình luận (0)