Trong những thập niên qua, mặt trời mang đến nhiều manh mối khoa học. Thế nhưng, sự kiện nhật thực toàn phần, thời điểm mặt trăng che mặt trời, được xem là một trong những thời điểm thuận lợi nhất để nghiên cứu sao trung tâm của chúng ta.
Một số khám phá khoa học nổi tiếng nhất lịch sử loài người được ghi nhận trong các kỳ diễn ra nhật thực toàn phần, và giới thiên văn học kỳ vọng hiện tượng ngày 8.4 tại Bắc Mỹ có thể mang đến cơ hội tương tự.
Người Bắc Mỹ hoan hỉ đón nhật thực toàn phần
Nhật thực toàn phần được cho là thời điểm lý tưởng để nghiên cứu bề mặt mặt trời, theo báo Northwest Arkansas Democrat Gazette hôm 8.4 dẫn lời các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Chẳng hạn, sự kiện nhật thực toàn phần năm 1919 đã giúp thiên tài vật lý học Albert Einstein chứng minh thuyết tương đối rộng của ông.
Cũng theo các nhà khoa học NASA, hiện tượng trên cũng mang đến cơ hội nghiên cứu vành nhật hoa của mặt trời, bản thân mặt trời và không gian giữa trái đất-mặt trời với chi tiết cụ thể hơn.
Ngày 22.12.968, sử gia Leo Diaconus của đế chế Byzantine là người đầu tiên quan sát vành nhật hoa của mặt trời tại Constantinople.
Năm 1868, khi nhật thực diễn ra ở Ấn Độ, các nhà khoa học thời đó có gần 7 phút để nghiên cứu nên đã tìm ra một thành phần quan trọng cấu tạo nên mặt trời, đó là khí helium.
Năm nay, các nhà khoa học trên toàn thế giới chỉ có khoảng 4 phút để nghiên cứu vành nhật hoa. Dù vậy, họ vẫn kỳ vọng, cùng với sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại và mạng lưới chuyên gia trên toàn cầu, nhân loại sẽ có thể khám phá những bí mật mới về mặt trời.
Nhật thực sẽ xuất hiện đầu tiên trên bầu trời Nam Thái Bình Dương và bắt đầu cuộc hành trình xuyên suốt Bắc Mỹ. Bờ Thái Bình Dương của Mexico sẽ là điểm đầu tiên của hành trình, dự kiến vào 1 giờ 07 hôm 9.4 (giờ Việt Nam), trước khi kết thúc ở bờ Đại Tây Dương của Newfoundland (Canada) vào 2 giờ 46 hôm 9.4.
Bình luận (0)