Theo đó ngày 8.4 (giờ địa phương), hàng triệu người ở miền bắc Mexico, Mỹ và miền đông nam Canada đã chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần hiếm có.
Nhiều người trên khắp thế giới cũng đã quan sát hiện tượng này thông qua các kênh phát trực tiếp.
Năm 2070 mới có nhật thực toàn phần ở Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết nhật thực toàn phần ngày 8.4 là một hiện tượng thật đặc biệt, vì có thể quan sát được sao chổi 12P/Pons-Brooks khi hiện tượng này xảy ra.
“Trong đời một con người có thể sẽ chẳng bao giờ được thấy nhật thực toàn phần. Nếu trông chờ vào nơi bạn sinh sống có thể thấy được nhật thực toàn phần thì điều đó có thể chẳng bao giờ xảy ra trong cuộc đời của bạn và có thể đến nhiều đời con cháu của bạn. Sau lần nhật thực toàn phần vào năm 1995, mãi phải đến ngày 11.4.2070, cư dân Việt Nam mới có thể thấy lại được nhật thực toàn phần”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM cũng nói thêm nhật thực toàn phần không phải là hiếm. Bởi, ở đâu đó trên địa cầu này sẽ thường xuyên quan sát được nhật thực toàn phần.
Nhật thực toàn phần trăm năm có một xuất hiện: Việt Nam bao giờ sẽ có?
Đó là lý do mà nếu nhiều người xem quan sát nhật thực toàn phần là một mục tiêu phải thực hiện trong đời. Từ đó dành tiền và di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới, theo ông Tuấn, có thể sẽ có đến lúc bạn không còn thiết tha gì đến việc quan sát khung cảnh nhật thực toàn phần.
“Đó là câu chuyện về một đôi vợ chồng già người Tây Ban Nha mà tôi từng gặp trong một lần ngắm nhật thực toàn phần ở Indonesia năm 2016. Họ nói rằng mình đã đi khắp thế gian để quan sát nhật thực toàn phần đến 7 lần trong đời, dành thời gian để hôn nhau vào khung cảnh đặc biệt này thay vì quan sát vành nhật hoa vì họ đã thấy quá nhiều lần, để đánh dấu khoảnh khắc họ vẫn còn bên nhau trong cuộc đời này”, ông Tuấn kể lại.
Ông cũng cho biết mình từng nhiều lần chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần tại Belitung, Indonesia (9.3.2016), Đông Timor (20.4.2023) và nhật thực hình khuyên tại Singapore (26.12.2019)...
Tại Việt Nam, năm 1995 đã từng xuất hiện hiện tượng nhật thực toàn phần khiến người dân khi đó cũng hào hứng không kém. Hiện tượng nhật thực khi đó diễn ra vào buổi trưa nhưng trời không tối sầm hẳn mà chỉ tạo cảm giác âm u. Khi đó kiếng xem nhật thực cũng được người dân săn tìm tạo trend như bây giờ.
Nhật thực toàn phần trăm năm có một là gì?
Có các loại nhật thực nào?
Theo Space.com, có bốn loại nhật thực tùy thuộc vào vị trí của mặt trời, mặt trăng và trái đất tại thời điểm xảy ra sự kiện. Nhật thực luôn xảy ra khoảng hai tuần trước hoặc sau nguyệt thực.
1. Nhật thực toàn phần: Mặt trời bị mặt trăng che khuất hoàn toàn.
2. Nhật thực một phần: Mặt trăng không che khuất hoàn toàn mặt trời nên chỉ che khuất một phần mặt trời. Ở đây, mặt trăng dường như đang "cắn" mặt trời.
3. Nhật thực hình khuyên: Mặt trăng nằm ở trung tâm phía trước mặt trời nhưng không bao phủ toàn bộ bề mặt (như được thấy trong nhật thực toàn phần). Một "vòng lửa" tỏa sáng quanh mặt trăng.
4. Nhật thực lai: Nhật thực hiếm nhất là sự kết hợp giữa nhật thực toàn phần và hình khuyên và được tạo ra khi bóng của mặt trăng di chuyển trên trái đất.
Sau nhật thực toàn phần vào ngày 8.4.2024, nhật thực toàn phần tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 12.8.2026, khi đó toàn bộ sẽ được nhìn thấy từ Greenland, Iceland, Đại Tây Dương và Tây Ban Nha.
Bình luận (0)