Nhậu say, ai đưa 'em' về?: Đi lạc trên... quê hương mình

03/11/2018 09:49 GMT+7

Đường về của ma men xảy ra khá nhiều chuyện bi hài, cả những chuyện trời ơi đất hỡi không thể nào tin nổi. Nếu dựng thành phim chắc được hàng trăm tập. Tôi xin kể “vài tập” chuyện của những người bạn và chính tôi.

Mộng du sau nhậu

Bầu chọn
Khi nhậu say, bạn thường chọn cách gì để mình và bạn nhậu đi về?
Hoàng, trưởng phòng của một công ty lớn ở Đà Nẵng, cũng đã có một hành trình “sảng rượu” mà ai nghe kể cũng… mất hồn.
Cơm thân mật (nhưng nhậu là chính) với đối tác từ trưa đến tối, trên đường về, Hoàng “ma men” chạy xe máy theo quán tính, vẫn tốc độ chậm, bên lề “cuộc sống” mà đi. Người đi đường không ai chú ý vì anh điều khiển xe rất bình thường. Cái đích của Hoàng dĩ nhiên là nhà nhưng hóa ra là… một cái “quán nửa khuya” nào đó bên bờ sông, cách nhà anh chừng 20 cây số.

“Nếu không, khuya lạnh, tao đã chết cứng. Và giờ đã là giỗ thứ hai của tao rồi. Vụ này tao mắc cỡ với vợ con và anh em trong cơ quan mất mấy tháng mới hết”, anh kể. Từ dạo ấy, anh nhậu ít, và không có lần nào say bí tỉ như cái đêm ở “quán nửa khuya”.

So với chuyện trên thì chuyện anh Được, cán bộ thôn phụ trách văn hóa, hơn hẳn ở mức độ “ly kỳ”. Nhậu với bạn tới khuya, ai về nhà nấy, riêng anh thì không. Vợ con anh, cả hàng xóm nữa, xách đèn pin đi tìm. Người làng nói anh bị “ma giấu” nên đám mì, đám mía nào cũng được soi kỹ, ngay cả những bụi tre bùng nhùng cũng được kiểm tra nhưng chẳng thấy.

Cả làng vẫn còn xôn xao thì rạng sáng Được đi bộ về trong trạng thái vẫn còn say xỉn. Điều lạ là trên người anh không có… quần dài; chỉ có chiếc áo sơ mi vấy bẩn và chiếc quần đùi vải mỏng. Vợ hỏi thì anh ngơ ngơ, ngác ngác như người tâm thần.

Đến trưa, có người xác nhận đang giữ chiếc xe máy, cái quần ka ki vắt trên yên xe và cái ví bên trong không có tiền, chỉ có giấy tờ mang tên Được. Người này ở thôn khác, cách thôn anh Được khoảng hơn 10 cây số. Sau một tuần không nhậu, hỏi anh vì sao dựng xe ở đó, vì sao cởi quần và đi bộ về anh vẫn lắc đầu nói: "Ông hỏi tui, tui biết hỏi ai".

Giới “am hiểu” rượu bia ở địa phương cho rằng khi uống quá nhiều, rượu có thể gây loạn não và người ta đi như người mộng du. Tất nhiên là họ không nhớ gì về “hành trình” sau cuộc nhậu của mình. Thật là hú vía!

Vượt “chỉ tiêu” những 30 cây số

Còn đây là chuyện có tôi dự vào. Đó là chuyện sau nhậu hết biết đường về. Có cả thảy 4 chuyện đi lạc trên chính quê hương mình. Tôi chỉ kể câu chuyện “nặng đô” nhất.

Tôi và mấy người bạn nhậu rượu trắng từ 5 giờ chiều tới tận khuya. Sở dĩ lâu vậy là vì trong nhậu có “yếu tố” thơ ca và nhạc Trịnh. Tàn cuộc, đứa nào cũng nói bữa nay sao tỉnh bơ vầy. Chắc tại hát to, hà hơi cồn ra hết nên thấy cứ như… chưa nhậu.

 

Bữa đó trăng sáng lắm. Ông bạn tên Liêm chở tôi về bằng xe Vespa. Hai thằng vừa đi vừa nói chuyện rôm rả. Nhưng tôi bỗng ngờ ngợ: Nhà hai đứa ở thị trấn Đức Phổ (Quảng Ngãi), cách điểm nhậu chỉ 25 cây số, nãy giờ đi chắc hơn tiếng đồng hồ sao chưa tới? Liêm nói chưa đâu mà, rồi tiếp tục chạy.

Lúc này tôi nghe đầu mình tê cứng, thấy cảnh vật hai bên đường vừa xa vừa gần, vừa quen vừa lạ. Nhưng rồi tôi la lên khi thấy tấm bảng phản quang ghi “thị trấn Mộ Đức”. Nghĩa là chúng tôi đã qua huyện khác, vượt “chỉ tiêu” những 30 cây số. Hai thằng chưng hửng quay xe chạy ngược lại, rạng sáng mới tới nơi cần tới.

Ai đã đưa chúng tôi vào mê lộ? Gã ấy chính là…tôi và Rượu! Chính chúng tôi đã “thỏa hiệp” để gã (tạm thời) vô hiệu hóa não bộ, xóa cảm nhận không gian, thời gian và “hướng đạo” chúng tôi đi trong bềnh bồng, vô thức. Tôi nhớ rõ là Liêm lái xe không loạng choạng, nhưng phương hướng thì “mịt mù”. Chuyện đã mấy năm, nhớ lại tôi vẫn còn rùng mình.

Giờ nói thiệt, tôi vẫn còn… nhậu nhưng “phước - lộc - thọ” thôi: Bia ba lon, rượu ba ly con. Bạn bè “bất bình” nhưng rồi cũng chấp nhận “rờ le” của tôi. Tôi tự nhủ: Bước qua lằn ranh giới hạn này cũng có khi “ma men ơi, đường về không lối”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.