Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non và gần 1 triệu trong số đó tử vong vì các biến chứng.
Để cải thiện tỷ lệ sống sót, các nhà khoa học đã nghiên cứu để tạo ra hệ thống nhau thai nhân tạo. Hệ thống này mô phỏng điều kiện y hệt trong tử cung người mẹ, giúp trẻ sinh non có thể tiếp tục phát triển như đang trong bụng mẹ thêm nhiều tuần, theo Daily Mail.
Nhau thai nhân tạo sử dụng một máy bơm để đưa máu chảy vào một lá phổi nhân tạo, rồi tiếp tục chảy vào cơ thể trẻ sinh non. Quá trình này có thể cung cấp trao trao đổi khí mà không cần dùng máy thở.
Một thai kỳ thường kéo dài khoảng 40 tuần. Nếu trẻ ra đời trước 37 tuần thì được xem là sinh non. Tại Mỹ, đây là nguyên nhân gây tử vong số 1 ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, trẻ sinh trước tuần 28 được gọi là sinh cực non. Các bé sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn vì cơ quan nội tạng chưa phát triển hoàn chỉnh đủ tách khỏi cơ thể người mẹ.
Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và chưa đi vào lâm sàng nhưng nhóm nghiên cứu tại Đại học Michigan (Mỹ) cho rằng giải pháp nhau thai nhân tạo là đầy hứa hẹn. Chúng có thể giúp các trẻ sinh cực non được phát triển bình thường trước khi đón nhận cuộc sống bên ngoài.
“Một trong những rủi ro nghiêm trọng nhất cho trẻ sinh non là phổi của các bé chưa phát triển và còn quá mỏng”, bác sĩ George Mychaliska, một thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Đại học Michigan sẽ dành 2,7 triệu USD để tài trợ cho chương trình nghiên cứu.
Bình luận (0)