“Nhậu” tưng bừng giữa phố hoa

02/01/2012 03:22 GMT+7

Giữa không gian văn hóa của phố hoa, nhiều du khách cảm thấy thất vọng khi chứng kiến những hình ảnh không đẹp.

Giữa không gian văn hóa của phố hoa, nhiều du khách cảm thấy thất vọng khi chứng kiến những hình ảnh không đẹp.

>> Rực rỡ đêm khai mạc lễ hội hoa Hà Nội
>>Tưng bừng phố hoa Hà Nội

Là một trong những sự kiện lớn diễn ra trong dịp tết dương lịch tại Hà Nội, lễ hội phố hoa đã thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách mỗi ngày. Nhiều hiện tượng tiêu cực tại các lễ hội năm trước vẫn xảy ra, như tình trạng “chặt chém” du khách. Giá gửi xe ô tô lên tới hàng trăm nghìn đồng/xe, xe máy trung bình 20.000-30.000 đồng/xe. 

Năm nay, không gian trưng bày hoa thu hẹp hơn lễ hội năm trước. Hoa được chuyển từ lòng đường lên vỉa hè, có rào chắn bảo vệ xung quanh. Tại mỗi khu vực trưng bày, lực lượng bảo vệ thường xuyên có mặt nhắc nhở du khách. Vậy mà, nhiều hình ảnh cũ tại kỳ lễ hội trước vẫn tái diễn như vượt qua hàng rào bảo vệ đề đứng sát cạnh hoa, cầm hoa chụp ảnh, bấm thử xem hoa thật hay giả...

Tối 31.12, khi chúng tôi có mặt tại lễ hội, một số chậu hoa trưng bày không có hàng rào bảo vệ đã bị bứt cánh, cành lá gãy dập. Nhiều khóm hoa ly đặt tại khu vực dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ đã héo rũ. Thương thay các cây cổ thụ ven Hồ Gươm, nhiều du khách hồn nhiên trèo lên cây tạo dáng chụp ảnh, hay ngồi vắt vẻo trên cây xem chương trình nghệ thuật chào năm mới

Số lượng hoa và các loài hoa có mặt trong lễ hội năm nay ít phong phú. Có du khách cười buồn: “Ngắm hoa thì ít, ngắm người thì nhiều”. Một điều đáng nói là tại lễ hội, thay vì có những tấm biển chỉ dẫn, giới thiệu về các loài hoa, lại xuất hiện nhiều tấm biển quảng cáo "vô duyên". Nhiều khu vực trưng bày do các công ty, cửa hàng hoa thực hiện. Sẽ không có gì đáng phải phàn nàn nếu tấm biển quảng cáo không quá to, gây phản cảm. Tại một không gian trưng bày, nhiều người tò mò khi nhìn thấy tấm biển in chữ to “Hoa Sáo”. Có du khách thắc mắc , không biết loại hoa nào trưng bày là hoa sáo? Tìm hiểu một lúc mới ngớ người: “Hoá ra, Hoa Sáo là tên cửa hàng hoa”.

Tại lễ hội, các hàng bán rong đồ ăn như xúc xích, bò bía, mực nướng, ngô nướng kem, kẹo bông, hoa quả... mọc lên nhan nhản. Trên đoạn vỉa hè ngắn cũng là không gian trưng bày hoa, có tới hàng trăm người bán hàng rong. Giữa không gian hoa, mùi mực nướng, ngô nướng, mùi xúc xích rán, bỏng ngô… quyện vào nhau, tỏa ra khắp nơi. Du khách khó ngửi thấy hương hoa nhưng lại bị nức mũi bởi hương thơm của các loại đồ ăn.

Cũng trong buổi tối cuối cùng của năm 2011, ngay sát cạnh khu vực bày hoa, nhiều hàng quán vô tư mọc lên, vô tư mời khách ngồi thưởng thức ngay trên bãi cỏ hay vỉa hè. Các nam thanh, nữ tú, cả các bậc trung niên thản nhiên ngồi nhấm nháp đồ ăn, chúc tụng, trò chuyện râm ran như đang đi dã ngoại bên bờ hồ. Dòng người ngắm hoa cứ tấp nập qua lại, người bán cứ bán, người ăn cứ ăn, rác cứ vô tư xả.  Bãi cỏ từ trước vẫn được cắm biển “cấm giẫm chân lên cỏ” nay đã nát tươm, trở thành quán hàng đông đúc. Không gian hoa ngập trong rác. Que kem, giấy báo, túi ni lông, đồ ăn thừa, chai nước…tràn trên vỉa hè, trên đường đi, nổi lềnh bềnh ven hồ. Thật khó hiểu là, lực lượng bảo vệ được huy động không hề ít, bố trí khắp khu vực phố hoa nhưng lại không hề nhắc nhở các quán hàng rong và du khách. Chỉ vào ban ngày, tình trạng này mới được cải thiện chút ít.

Biết rằng, lễ hội có văn minh hay không phụ thuộc vào chính ý thức của người dân, người đi hội. Nhưng, thiết nghĩ ban tổ chức, cơ quan quản lý cũng không nên hững hờ trước những hiện tượng "xấu" xảy ra tại lễ hội, hoặc có lúc làm chặt, có lúc lại bỏ mặc.

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.