Nháy mắt liên tục, nhìn gợi tình chưa thể cấu thành hành vi quấy rối tình dục

16/09/2022 16:09 GMT+7

Một số hành vi tại nơi làm việc như: nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục… chưa thể cấu thành hành vi quấy rối tình dục mà cần các yếu tố khác như bên bị quấy rối phản ứng, không đồng thuận.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH) tại hội thảo tập huấn báo chí về chủ đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 16.9.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, năm 2015, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Bộ quy tắc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đến năm 2019, bộ luật Lao động và Nghị định 145 quy định làm rõ thêm về nội dung quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật không quy định cụ thể hành vi, vi phạm. Một số hành vi có thể là quấy rối tình dụcở doanh nghiệp này, nhưng không đúng với doanh nghiệp khách, do môi trường làm việc khác nhau. Do đó, cần thiết ban hành bộ quy tắc mới phù hợp thực tế và tiêu chuẩn lao động quốc tế, các hiệp định quốc tế Việt Nam tham gia.

Ông Bình chia sẻ: “Khi đưa ra lấy ý kiến, dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã thu hút quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến về một số hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được đưa vào quy tắc, như cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục… Tuy nhiên, những hành vi này không mới, đã có trong bộ quy tắc ban hành năm 2015. Một số hành vi trên cũng chưa thể cấu thành hành vi quấy rối, mà cần các yếu tố khác như bên bị quấy rối phản ứng lại là không đồng thuận”.

Bộ LĐ-TB-XH phối hợp cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang hoàn thiện dự thảo thay thế bộ quy tắc ban hành năm 2015. Dự kiến cuối năm nay dự thảo sẽ được trình Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia để xem xét thông qua.

Ông Bình cho hay, việc triển khai bộ quy tắc còn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tạo ra một môi trường làm việc an toàn cho người lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển mà con giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế.

Ông Hazelton Phillip, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, khuyến nghị Bộ quy tắc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc nên đưa vào áp dụng càng sớm càng tốt, bởi hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là mối nguy hại rất lớn, biến nơi làm việc thành nơi không còn an toàn và vi phạm quyền con người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.