|
Vất vả mưu sinh
Người dân khu vực Kim Liên cũng như những hành khách đi trên chuyến tàu Nam-Bắc đã quá quen thuộc với những người nhảy tài để buôn bán. Khi tàu đang chạy, có những phụ nữ với những giỏ hàng nặng trĩu xuất hiện, chào bán rôm rả. Khi nhân viên đường sắt đến thì lập tức họ mất hút ngoài ô cửa sổ dù tàu đang chuyển động xình xịch. Và chỗ trú ngụ duy nhất của họ lúc này để không bị bắt và đuổi xuống, chính là trên những mui tàu...
Không khó để tìm về làng Kim Liên, nơi có đội quân nhảy tàu với những người có thâm niên 20-30 năm. Anh Nguyễn Văn Lành, một người đàn ông trung niên làm nghề sửa xe nói nhẹ hều: “Vợ tui cũng làm nghề nớ từ thời con gái, chừ gần 40 tuổi cũng vẫn làm. Có chi mà hỏi. Cũng giống như những nghề khác thôi chớ chi. Cũng cực nhọc như nhau để kiếm cái ăn thôi!”. Qua lời của anh Lành, tôi ra khu vực cầu Nam Ô giữa cái nắng trưa gay gắt để làm quen với những người làm nghề đang chờ đợi để chuẩn bị nhảy lên chuyến tàu ra Bắc. Nhiều người áo khoác nắng dài che hết tay, mặt bịt kín, với những giỏ xách trĩu nặng. Chị Lê Thị Nhàn cười khi nghe tôi hỏi. “Muốn biết thì cứ đứng chút trông là biết. Tụi chị toàn nhảy tàu mấy chục năm, quen nghề rồi chớ em mà đứng gần tàu lớ xớ là tiêu đó!”, chị Lành dặn. Hỏi tại sao các chị không vào ga rồi lên tàu mà bán? Chị Lành lại cười: “Họ không cho lên tàu, sợ mất trật tự em ơi. Nên phải nhảy, chờ cơ hội là chui lên thôi”. Hỏi chị bán những thứ gì, chị chìa giỏ xách nặng trĩu những tượng đá Non Nước, mực khô... “Lúc trước bán được lắm, có ngày kiếm 400-500 ngàn là chuyện thường, nên ai cũng thích làm nghề ni. Chừ thì họ ít mua rồi, mà mỗi ngày kiếm vài chục, khi may thì được 100 ngàn, đủ tiền chợ búa, con cái!”, một phụ nữ che mặt kín mít cũng chuẩn bị nhảy tàu góp chuyện.
|
20 phút sau, chiếc tàu đến. Do qua cầu lại gần khu dân sinh nên thông thường tàu đều giảm tốc độ. Và đây là cơ hội cho những người làm nghề buôn bán nhảy tàu. Vẫy tay chào vội, chị Lành cùng 5 “đồng nghiệp” đu mình lên thân tàu như phim hành động, thoắt cái đã ngồi chễm chệ trên mui tàu. Chuyến tàu từ từ lướt qua chở theo những người nhảy tàu. Họ đi lại trên mui tàu bình thường như đi trên sàn nhà mình vậy. Nhiều người ngồi ngay giữa phần ghép nối giữa các toa tàu, cheo leo đầy nguy hiểm. Họ cùng di chuyển với tàu ra đến Huế, khi tàu chạy chậm hoặc dừng lại thì chui vào khoang bán hàng, sau đó lại nhảy tàu Bắc - Nam quay về lại.
Sinh nghề tử nghiệp
Bà Trần Thị Hằng, trú cách nhà anh Lành vài căn. Ở cái tuổi 57, bà vẫn làm nghề nhảy tàu, dù năm 50 tuổi bà từng gặp tai nạn. Khi chạy đến khu vực đường hầm thì tàu thay vì chạy chậm như mọi lần, thì đột ngột đổi tốc độ, bà Hằng chủ quan khi di chuyển trên mui tàu và bị trượt chân, chấn thương nặng ở xương sườn, phải điều trị thời gian dài mới đi lại được. Nhưng khi bắt đầu đi lại được, bà lại tiếp tục... nhảy tàu. Tương tự trường hợp chị Ngô Thị Loan, 45 tuổi, kể lại, trong một lần nhảy tàu vừa đến địa phận của Huế thì chị gặp nạn. Cánh tay chị bị gãy và trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc đời chị. Và không như bà Nhàn, chị Loan quyết định từ giã nghề nhảy tàu, ở nhà buôn bán lặt vặt ở chợ trong khu vực.
Bị thương tật nhẹ đến nặng đối với những người dù có thâm niên với nghề nhảy tàu là không đếm xuể. Và có không ít trường hợp “tử nghiệp” đau lòng đã xảy ra. Đó là trường hợp của bà Đặng Thị Chín, cũng trú tại khu vực này. Bà nhảy tàu để mưu sinh, và không may cho bà, tai nạn xảy ra trong khi bà đang ở trên nóc tàu. Người thì cho rằng bà mất do bị chạm dây điện, người nói bà mất do bị va vào thành hầm... Cái chết của bà Chín, dù đã xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng thực sự là nỗi lo sợ, ám ảnh của những người làm nghề nhảy tàu...
Không thể đổi nghề?
Trước hiểm họa khó lường của nghề nhảy tàu, chính quyền sở tại đã có nhiều buổi tuyên truyền cho người dân. Thậm chí, UBND P.Hòa Hiệp Bắc, Hội Phụ nữ cũng đã xây dựng nhiều chương trình để chuyển đổi ngành nghề cho những người làm nghề nhảy tàu. Thông qua việc đào tạo nghề, đưa những người làm nghề vào làm công nhân cho các công ty trong Khu công nghiệp Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu), nhưng chỉ vài tháng thì đâu lại hoàn đó. Còn ngành đường sắt thì cũng tìm cách không cho lực lượng bán hàng này nhảy lên tàu, nhưng không thể làm xuể và vô cùng nguy hiểm bởi đuổi thì họ lại bỏ chạy bằng cách trốn lên mui tàu, tai nạn rất dễ xảy ra cho cả người đuổi và người trốn, nên ngành đường sắt cũng ngại...
“Không phải tụi tui không muốn đổi nghề, nhưng làm công nhân ở tuổi này họ không chịu nhận, họ đòi đủ thứ nên chỉ mấy đứa trẻ là còn làm được. Học nghề thì nói thiệt không học được nghề chi cho phù hợp. Buôn bán ở chợ thì đi vài bữa lỗ chỏng gọng, hết cả vốn! Nên cứ phải bám cái nghề ni mà sống thôi!”, bà Hằng thở dài nói.
Vì vậy, vòng mưu sinh luẩn quẩn lại kéo họ tiếp tục gắn với nghề đầy nguy hiểm này: nhảy tàu!
Diệu Hiền
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm: Tự 'biệt giam' giữa biển khơi
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 5: Lau kính cao ốc
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 4: Sống cùng thú dữ
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 3: 'Người nhện' trên lèn đá
>> Nghề nguy hiểm
Bình luận (0)