Nhị Thiên Đường lừng danh một thuở

04/02/2018 09:46 GMT+7

Giờ đây, những người từ nội đô TP.HCM, nhất là khu vực Chợ Lớn (các quận 5, 6, 8) đi sang H.Bình Chánh theo quốc lộ 50 không phải chịu cảnh chen chúc, giành nhau từng bánh xe trên cây cầu Nhị Thiên Đường khoác tấm áo màu xanh lá cây nổi tiếng nữa.

Nhà nước đã làm cầu mới, 2 cầu song song theo 2 chiều lưu thông, vẫn mang cái tên thân thương ấy. Cầu mới thứ nhất được thông xe giữa năm 2005, cầu mới thứ hai hoàn thành việc nối hai bờ vào cuối tháng 10.2017. Đi trên khối bê tông sắt thép hoành tráng bệ vệ chắc chắn này, tất nhiên là vui, nhưng nhiều lúc không khỏi ngẫm nghĩ đến cuộc đời và số phận của cây cầu gắn bó với đô thị này cả thời gian dài mấy thế hệ.
Hồi cuối năm 2016, khi thành phố quyết định chấm dứt sự tồn tại của cầu cổ, nhiều người thấy bâng khuâng. Ngày nào tôi cũng đi ngang qua đại công trình phá cầu Nhị Thiên Đường trăm tuổi để lấy chỗ xây cầu mới. Nhìn cảnh cầu bị đập phá, dù biết sẽ có cầu mới, cứ bồi hồi thương thương làm sao.
Những năm đầu sau 1975, cầu Nhị Thiên Đường vẫn còn đẹp lắm. Cây cầu cong cong khoác áo màu xanh lá cây mềm mại vắt ngang một nhánh kênh Đôi rộng gần 100 m (còn gọi là kênh Tàu Hủ) nối hai bờ Q.8, với những hàng trụ đèn được thiết kế thật thanh thoát, mỹ thuật. Nếu nó không nằm ở Sài Gòn, ta sẽ liên tưởng đang được chiêm ngưỡng một cây cầu bắc ngang dòng sông Seine thủ đô Paris nước Pháp. Mà cũng phải, nghe kể rằng cầu do ông chủ hãng dầu nóng Nhị Thiên Đường bỏ tiền xây để người làm công của ông ở bờ phía đông kênh đi lại ra vào nội đô cho đỡ vất vả, thuê nhà thầu là Công ty xây dựng Levallois Perret (Pháp) thiết kế, thi công, hoàn thành năm 1925. Trên 2 tấm biển đúc bằng gang gắn ở 2 trụ hai đầu cầu có ghi rõ năm khánh thành và công ty xây dựng. Nhà văn Sơn Nam hồi còn sống kể rằng khắp xứ Đông Dương hồi ấy người ta chỉ làm cầu sắt, đây là cây cầu đầu tiên làm bằng xi măng cốt thép. Toàn bộ nguyên vật liệu thép, xi măng... được đưa từ Pháp sang, chỉ có nhân công người bản địa. Họ làm kỹ lưỡng đến mức suốt gần trăm năm, sau bao nhiêu vật đổi sao dời, mưa nắng gió bão, nó cứ sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt. Và đẹp một cách kiêu hãnh.
Tấm biển đúc bằng gang gắn ở trụ đầu cầu ghi rõ năm khánh thành. Ảnh: Phạm Hữu
Sau năm 1975, do kinh tế khó khăn, cây cầu không được chăm sóc, tu bổ bảo dưỡng nên xuống cấp rất nhanh. Những lan can gỉ sét chẳng ai sơn phết lại, mục dần. Đèn chiếu sáng bị tháo trộm chỉ còn trơ trụ. Màu xanh nguyên thủy mát mắt của cầu biến thành màu bạc phếch. Trụ đèn từng một thời kiêu hãnh nay đứng buồn trầm mặc. Ban đêm tối om. Cầu cứ mỗi ngày một thảm hại, như một chứng tích về thời khó khăn thiếu thốn sau giải phóng.
Hồi những năm thời bao cấp, cầu Nhị Thiên Đường nổi tiếng với trò người ta cá cược mưa nắng. Hồi ấy dân Chợ Lớn, nhất là mấy người Hoa ngày nào cũng kéo nhau lên cầu Nhị Thiên Đường cá cược thời tiết, khi đang nắng chang chang mà vẫn có người quả quyết rằng đến khoảng mấy giờ sẽ mưa. Nếu mưa thì thắng cuộc, thấy bảo tiền cược to lắm. Họ là những người đầy kinh nghiệm thời tiết, có khi còn hơn cả trung tâm dự báo khí tượng thủy văn của nhà nước. Không nhớ từ khi nào trò cá mưa cá nắng này không còn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.