|
Chất độc trong “thuốc bổ”
Theo Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ đầu năm đến nay trung tâm vẫn tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em đến khám, điều trị vì bị nhiễm độc chì do sử dụng “thuốc cam”. Trước đó, từ 2011 - 2012 riêng tại Trung tâm chống độc đã thống kê được 2.550 trẻ em đến khám và điều trị do nhiễm độc chì. Trong số này, 750 trẻ bị nhiễm độc nặng với hàm lượng chì trong máu lên đến 10 mcg/dl, lớn hơn ngưỡng được cho là an toàn (5 mcg/dl).
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, công tác tại Trung tâm chống độc, các bệnh nhân bị nhiễm chì đến từ hầu hết các tỉnh thành phía bắc: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình. Đa số trẻ em có hàm lượng chì trong máu lớn, được điều trị tại Trung tâm chống độc sau khi sử dụng “thuốc cam” (loại thuốc y học cổ truyền nhưng do các ông lang, bà lang bán) không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong bài “thuốc cam” có vị hồng đơn là khoáng chất chứa chì, có thể gây độc cho cơ thể”, bác sĩ Nguyên cho biết. Đặc biệt, các “thuốc cam” không có nguồn gốc, tem nhãn, chưa được cấp phép lưu hành thì hàm lượng này không được kiểm soát, rất nguy hại cho trẻ. “Thuốc cam” để trị chứng biếng ăn, trị viêm nhiệt răng, miệng ở trẻ. Trẻ bị nhiễm độc chì đa số qua đường bôi hoặc uống. Trung tâm chống độc đã thống kê được 42 cơ sở cung cấp “thuốc cam” chứa chất nguy hại này tại hầu hết các tỉnh phía bắc.
Theo bác sĩ Nguyên, nhiễm độc chì gây thiếu máu, rối loạn ý thức, đau đầu, co giật, chậm phát triển chiều cao, viêm gan. Có trường hợp bị thiếu máu rất nặng phải cấp cứu. Đặc biệt nguy hiểm bởi chì làm suy giảm sự phát triển về trí tuệ. Chì khi vào cơ thể tồn tại rất lâu dài, “bền vững” trong cơ thể, do đó thải độc chì cần điều trị lâu dài (trung bình khoảng 3 năm).
Nhiễm độc từ vật dụng trong nhà
Trung tâm chống độc cho biết có nhiều vật dụng, chất liệu sử dụng trong gia đình chứa chì: sơn, pin, một số loại đồ trang sức; hay trong một số hoạt động công nghiệp, trong đó chì có từ nguồn ắc quy cũ, hỏng. Một số vật dụng hằng ngày như: ca, ly, chén bát trang trí lòe loẹt bởi các loại sơn kém chất lượng cũng có nguy cơ chứa chì trong sơn màu. “Thống kê tại Mỹ trong 10 năm qua có hàng trăm sản phẩm bị thông báo thu hồi do phát hiện chì: đồ dùng văn phòng phẩm, đồ chơi, móc đeo chìa khóa, vật dụng chứa nước, tủ kệ...”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Theo các chuyên gia chống độc, chì gây thiếu máu, giảm khả năng sinh sản; đặc biệt lo ngại khi gây độc với trẻ nhỏ bởi chì ảnh hưởng rất lớn đến phát triển về trí tuệ. Mức hấp thụ chì ở trẻ em cao và trữ trong cơ thể cũng lâu hơn ở người lớn. Khi vào cơ thể, chì “gắn” vào xương và tồn tại lâu dài, thậm chí suốt đời.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ nếu bị nhiễm chì sẽ truyền sang thai nhi khi mang thai, ảnh hưởng xấu cho sự phát triển về thể chất, chiều cao và trí tuệ của trẻ sau khi được sinh ra. “Ở trẻ em, cứ tăng lên 1 - 4 mcg/dl máu thì chỉ số IQ sẽ giảm 2,3 - 5,2 điểm. Ngưỡng chì cho là an toàn trong máu càng ngày càng giảm xuống, thậm chí đã có khuyến cáo cho rằng với lượng chì trong máu thì không có nồng độ nào là vô hại với trẻ nhỏ”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, để phòng nhiễm chì cho trẻ, cần lưu ý chọn các đồ chơi đạt tiêu chuẩn, đặc biệt nên lưu ý với đồ chơi sơn màu lòe loẹt. Chọn sơn gia dụng được kiểm soát chì tốt để môi trường an toàn hơn cho trẻ.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyên cũng lưu ý, chì còn có trong một số sản phẩm làm đẹp như son môi, mascara... Do đó, nên lưu ý sử dụng các sản phẩm được công bố và kiểm soát chất lượng. Một công bố tại châu Âu cho biết 22% trong số các mỹ phẩm được xét nghiệm có hàm lượng chì cao.
Nam Sơn
>> Nhiễm độc chì do uống thuốc cam
>> Bữa sáng giúp trẻ ngừa nhiễm độc chì
>> Hơn 200 trẻ Trung Quốc nhiễm độc chì
Bình luận (0)