Nhiễm độc da do tắm lá trị thủy đậu

29/03/2017 19:23 GMT+7

Hai ngày sau khi được mẹ cho tắm nước lá “trị” thủy đậu, bé trai 4 tháng tuổi đã phải nhập viện do nhiễm độc da .

Bé trai Nguyễn Trung Đ. (ở Phúc Thọ, Hà Nội) được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc da rất nặng. Khắp vùng da trên cơ thể lở loét, các nốt phát ban chảy nước mùi tanh. Cháu quấy khóc nhiều do tổn thương vùng miệng, không thể bú mẹ.
Gia đình cho hay, khi bé Đ. nổi các nốt thủy đậu được 4 hôm, mẹ muốn con nhanh khỏi nên đã tắm cho con trai bằng lá mua gần nhà. Nhưng chỉ 2 ngày sau đó, các nốt phỏng trên cơ thể bé bắt đầu phồng rộp, lở loét. Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư kết luận cháu bị nhiễm độc da - thủy đậu.
Sau khi nhập viện, bé Đ. được điều trị trong phòng cách ly vô trùng; tiêm kháng sinh; được vệ sinh da bằng nước muối sinh lý ấm, bôi thuốc chống nhiễm khuẩn và giúp làm lành tổn thương. Đến chiều 29.3, sau 6 ngày nhập viện, vết thương toàn thân của bé đã khô và bắt đầu bong vảy. Bé bú tốt, ngủ ngoan.

tin liên quan

Thủy đậu tấn công người lớn
Thủy đậu được cộng đồng biết đến là bệnh thường mắc ở trẻ nhỏ, nhưng gần đây nhiều người lớn cũng phải nhập viện điều trị tai biến do mắc thủy đậu.
Thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trẻ bị nhiễm độc da toàn thân như trường hợp bé Đức kể trên rất thường gặp tại bệnh viện này. “Ban đầu,cháu bé chỉ bị thủy đậu - là một bệnh nhiễm vi rút gây tổn thương da mức độ vừa phải, song gia đình không dùng thuốc điều trị mà tự xử trí không đúng cách, khiến các tổn thương trên da trở nên trầm trọng hơn, bội nhiễm gây nhiễm trùng, nhiễm độc da”, bác sĩ cho hay.
Các bác sĩ cho biết, hầu hết các trường hợp thủy đậu là một bệnh lành tính. Các nốt phỏng trên da của trẻ nếu được chăm sóc vệ sinh đúng cách sẽ hồi phục. Cách chăm sóc da tốt nhất cho trẻ bị thủy đậu là tắm rửa sạch sẽ cho bé bằng nước ấm, không để các nốt phỏng bị vỡ; bôi thuốc sát trùng theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ, không được cậy vỡ các nốt trên da vì dưới nền các mụn nước đó lớp da mới chưa đầy đủ chức năng ngăn chặn nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Hải cũng lưu ý, gia đình không đắp, không tắm cho trẻ bằng các loại lá chưa biết rõ tính chất, tác dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.