Nhiệm kỳ Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, lĩnh vực xây dựng còn những tồn tại gì?

26/12/2020 16:05 GMT+7

Ngày 26.12, tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Xây dựng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, khuyết điểm.

Cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng còn chậm

Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế vẫn còn một số quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay. Việc bám sát, theo dõi, đánh giá tác động chính sách; xử lý vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời, thường xuyên.
Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm.
Về lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc T.Ư còn chậm và thiếu đồng bộ giữa các chuyên ngành, dẫn đến việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội không theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu đầu tư các dự án phát triển đô thị, nhà ở. Tầm nhìn, công tác dự báo chưa hợp lý, còn tình trạng chồng chéo, chưa thống nhất, chưa ăn khớp giữa cấp độ quy hoạch.
Theo Bộ Xây dựng, hệ thống đô thị ở nước ta phát triển nhanh về số lượng, nhưng chủ yếu là đô thị loại nhỏ. Mật độ đô thị trong từng vùng kinh tế - xã hội thấp, phân tán, chất lượng phát triển còn hạn chế. Tính liên kết giữa các đô thị với nhau và với khu vực nông thôn chưa chặt chẽ, còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và hành lang kinh tế, chưa kiểm soát tốt sự gia tăng dân số đô thị. Năng lực hệ thống hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị.
Về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thừa nhận, còn tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương trong một số thời điểm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội (mới chỉ đáp ứng 41,7% so với mục tiêu đề ra). Nhà ở thương mại giá thấp; định chế tài chính chưa đầy đủ; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường và chống đầu cơ bất động sản; thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản chưa đầy đủ.
Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, việc phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng không nung và vật liệu thay thế cát tự nhiên còn hạn chế.
Đáng chú ý là, công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại một số Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng còn chậm so với kế hoạch.

Một bộ phận công chức ngành xây dựng còn hạn chế về trình độ, đạo đức công vụ còn yếu

Về nguyên nhân, Bộ Xây dựng cho rằng, do một số chính quyền và cơ quan chuyên môn xây dựng ở địa phương chưa quan tâm đúng mức trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai pháp luật về xây dựng. Năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguyên nhân thứ hai là hệ thống pháp luật về xây dựng, công tác lý luận, phương pháp xây dựng quy hoạch, định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan xây dựng có một số nội dung chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Hệ thống dữ liệu về xây dựng, đô thị, thị trường bất động sản... còn thiếu và không đồng bộ.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; kinh phí dành cho công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa đa dạng hóa, xã hội hóa được các nguồn lực để thực hiện.
Về vấn đề “vỡ” kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân do cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, một bộ phận cán bộ, công chức ngành xây dựng còn hạn chế về trình độ nghiệp vụ, quản lý, trì trệ, ý thức kỷ luật, đạo đức công vụ còn yếu, chưa chủ động sáng tạo, bám sát thực tiễn, vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.