Nhiễm vi rút cúm A/H1N1 có thể dẫn đến tử vong

13/02/2019 20:07 GMT+7

Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 6 - 7 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện trong tình trạng nặng do viêm phổi, suy thận, suy hô hấp phải thở máy và lọc máu. Trong đó, có 1 bệnh nhân nữ mang thai đã tử vong.

Ngày 12.2, đại diện Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết trong 4 tuần gần đây đã tiếp nhận 6 - 7 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện trong tình trạng nặng do viêm phổi, suy thận, suy hô hấp phải thở máy và lọc máu.
Trong đó, có trường hợp bệnh nhân nữ (24 tuổi) mang thai tử vong do tình trạng viêm phổi nặng suy đa tạng. Hiện vẫn còn 2 bệnh nhân đang điều trị tại khoa này, trong đó một bệnh nhân nam 51 tuổi tình trạng rất nặng do suy đa tạng.
Đáng lưu ý, các ca nhiễm cúm nặng, nguy kịch thường tăng cao trong các tháng trước và sau tết, khi thời tiết ấm hơn và có độ ẩm cao.
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), lưu ý cúm A/H1N1 là cúm lưu hành rộng rãi, ai cũng có nguy cơ mắc.
Thông thường người khỏe mạnh nhiễm vi rút này có thể giảm dần các triệu chứng (ho, sốt, viêm long đường hô hấp) sau 3 - 5 ngày có biểu hiện cúm.
Tuy nhiên, với một số trường hợp sức đề kháng kém, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người có bệnh mãn tính (béo phì, đái tháo đường), uống nhiều rượu... bệnh có thể diễn biến nặng hơn với các biểu hiện như: khó thở, tức ngực, sốt cao.
Khi có nghi ngờ nhiễm cúm kèm theo các biểu hiện bất thường về sức khỏe, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Cúm rất dễ lây lan trong môi trường kín, tập trung đông như lớp học, các khu văn phòng, do đó nên duy trì không gian làm việc thông thoáng, có các nguồn ánh sáng tự nhiên; người nhiễm cúm nên được cách ly để tránh lây lan.
Đặc biệt, không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút do thuốc có thể tác dụng phụ không mong muốn và làm tăng nguy cơ vi rút kháng thuốc do sử dụng không đúng chỉ định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.