Nhiếp ảnh ẩm thực bị bỏ quên

08/05/2021 06:20 GMT+7

Tác phẩm nhiếp ảnh ẩm thực của nghệ sĩ Việt gần đây đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế. Tuy nhiên ở trong nước, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh lẫn ngành du lịch lại đang bỏ quên lĩnh vực này.

Chỉ có “mang chuông đi đánh xứ người”

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông đã chụp rất lâu trong quán phở ở phiên chợ vùng cao Hà Giang trong buổi sáng sát tết 2017. Người đến, người đi bên những bát phở nóng bốc khói khi trời lạnh thật lạnh. Trên bàn ăn phở là ống đũa, gia vị và cả rổ trứng lớn. “Tôi không chụp cận cảnh bát phở. Tôi muốn chụp không khí của quán phở. Đó là một tập quán văn hóa ở miền Bắc Việt Nam. Người ta dậy rất sớm để đi chợ và ăn sáng tại đây”, ông Thông nói về tác phẩm Bữa sáng ở chợ phiên. Tác phẩm này vừa đoạt giải nhất hạng mục Đồ ăn trên bàn (Food at the table) của cuộc thi ảnh Pink Lady Food Photography (Anh) năm nay. Trước đó, năm 2018, Bữa sáng ở chợ phiên cũng đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi ảnh Smithsonian Annual Photo Contest (Mỹ).

Chúng ta cần phải nhìn lại chiến lược ẩm thực, trong đó có việc sử dụng nhiếp ảnh ẩm thực, nếu không sẽ lãng phí

TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch - Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội)

Cuộc thi Pink Lady Food Photography năm nay cũng trao một giải nhất khác cho nhiếp ảnh gia Việt Nam ở hạng mục Thức ăn đường phố (Street food) cho tay máy nổi tiếng Trần Việt Văn với tác phẩm Thưởng thức. “Ở Hội An, bên cạnh những món đã rất nổi tiếng như cao lầu, bánh mì Phượng, còn có chè rất ngon. Những quán chè ở Hội An rất giản dị, thanh bình. Tôi chụp nó vào ngày 30.12.2020, một khoảnh khắc đáng yêu trong dịch Covid-19, khi người dân được thưởng thức chè trên phố. Còn nói về ẩm thực, chè Hội An cũng rất nhiều quán và Việt Nam cũng có nhiều món chè ngon”, ông Việt Văn chia sẻ. Ông Văn cũng từng đoạt giải Pink Lady Food Photography hồi năm 2019 với tác phẩm Bữa ăn sáng của người bán thịt.
Ẩm thực bản địa, với không gian văn hóa và những tập quán đặc sắc, là câu chuyện nổi trội của những tác phẩm mà các nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông, Trần Việt Văn mang ra thế giới, và mang không chỉ một lần. Cùng với 2 nhiếp ảnh gia này còn những tác giả khác chụp đồ ăn, chụp ẩm thực đã “mang chuông đi đánh xứ người”. Tuy nhiên, không hiểu sao những cuộc thi ảnh ẩm thực như thế lại vắng bóng trong nước. “Đúng là trước giờ tại Việt Nam chưa có cuộc thi riêng nào dành cho ảnh ẩm thực cả”, ông Việt Văn cho biết.
Về điều này, ông Vũ Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, thừa nhận trước giờ hội chưa có cuộc thi riêng cho ảnh ẩm thực, cho dù ẩm thực cũng là một đối tượng của nhiếp ảnh. Ông Khánh giải thích: “Có tổ chức cũng ít ảnh, hai là ít người chụp được. Chụp ẩm thực có cả ẩm thực trong cuộc sống, gồm cả tĩnh vật, cho nên sẽ khó. Người ta chỉ lồng ghép nó trong các cuộc thi thôi, thí dụ như trong các cuộc thi du lịch. Nếu làm riêng, không nhiều ảnh và sáng tác cũng chỉ tập trung vào một số tác giả thôi”.

Tác phẩm Thưởng thức

Ảnh: Trần Việt Văn

Cần dùng nhiếp ảnh ẩm thực để quảng bá du lịch

Cuộc thi ảnh du lịch mới nhất mà Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đồng tổ chức với Tổng cục Du lịch diễn ra trong năm 2020. Kết thúc cuộc thi, có hàng chục ngàn tác phẩm gửi về, song chỉ có hơn hai chục tác phẩm ẩm thực được trưng bày. Ông Vũ Quốc Khánh đánh giá: “Trong cuộc thi ảnh du lịch, tỷ lệ ảnh ẩm thực không nhiều. Đúng là ẩm thực Việt Nam nhiều tiềm năng, nhưng nếu tổ chức thi thì sợ người ta không chụp được mấy”.
Tuy nhiên ông Lê Huy, một tay máy được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh nước ngoài, cho biết: “Ảnh đồ ăn, ẩm thực có đầy người chụp, cứ thử có cuộc thi để mọi người gửi ảnh tới xem. Ảnh chụp ẩm thực đẹp vẫn nằm trong ổ cứng”. Nhìn lại thể lệ cuộc thi ảnh du lịch năm 2020 của Tổng cục Du lịch và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, đúng là không có nhắc gì tới ẩm thực cả.
Nhiếp ảnh ẩm thực bị bỏ quên

Tác phẩm Bữa ăn sáng của người bán thịt

Ảnh: Trần Việt Văn

TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch - Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết bà lúc nào cũng ủng hộ việc nên dùng yếu tố ẩm thực để đẩy mạnh truyền thông cho du lịch Việt Nam. “Khi làm thương hiệu quốc gia, các chuyên gia quốc tế có một hệ thống các tiêu chí thuộc về du lịch và di sản. Trong hạng mục du lịch có mục ẩm thực. Tôi rất ủng hộ việc dùng ẩm thực cũng như nhiếp ảnh ẩm thực để truyền thông và quảng bá du lịch Việt Nam”, TS Thủy nói.
Bà Thủy cũng cho rằng việc bỏ quên thế mạnh này sẽ ảnh hưởng tới bước tiến của du lịch Việt ở cả trong và ngoài nước. Bản thân nhiếp ảnh vốn gây được ấn tượng thị giác rất mạnh để thu hút. Hơn nữa, tập trung quảng bá ẩm thực Việt như điểm nhấn sẽ rất lợi thế, vì món Việt ngon cũng như cân bằng dinh dưỡng. “Chúng ta cần phải nhìn lại chiến lược ẩm thực, trong đó có việc sử dụng nhiếp ảnh ẩm thực, nếu không sẽ lãng phí”, bà Thủy nêu ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.