Nhiếp ảnh gia chuyên về Chiến tranh Việt Nam - Tim Page qua đời ở tuổi 78

24/08/2022 23:16 GMT+7

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới , người ghi lại rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ về Chiến tranh Việt Nam – Tim Page qua đời ngày 24.8.2022 tại New South Wales (Úc), thọ 78 tuổi.

Tờ Washington Post đưa tin Tim Page - phóng viên ảnh người Anh nổi tiếng vừa qua đời tại nhà riêng vì ung thư gan. Tim Page cận kề cửa tử khi bị thương đến bốn lần, với hàng trăm mảnh đạn trong người khi chụp ảnh chiến trường trong Chiến tranh Việt Nam.

Phóng viên kỳ cựu Tim Page

wiki

“Tim hai mươi ba tuổi khi tôi gặp anh ấy lần đầu tiên”, phóng viên Michael Herr viết.

Đến Việt Nam năm 1965 ở tuổi 21, Tim Page đã dành phần lớn thời gian trong bốn năm tiếp theo để ghi lại cuộc chiến bằng chiếc máy ảnh, trở thành một trong những phóng viên ảnh nổi tiếng và dũng cảm nhất của cuộc chiến.

Tại Việt Nam, Tim Page từng chạy xe gắn máy ra tiền tuyến và leo lên trực thăng để chụp những bức ảnh đầy bụi bay bên dưới cánh quạt, cảnh những ngôi làng Việt Nam tan hoang vì bom đạn, hẻm núi đầy xác liệt sĩ. Những bức ảnh để đời của ông đã được đăng trên nhiều tạp chí lừng danh như Life, Time, Paris Match...

Nhiếp ảnh gia người Anh Tim Page bên những đứa trẻ tại một quán cà phê ở Campuchia vào năm 1991

afp

“Thật là một nơi tuyệt vời nhưng lại có chiến tranh, nơi có nhiều phụ nữ đẹp, thức ăn ngon, bãi biển tốt nhất”, ông Page nói với tờ Toronto Globe and Mail vào năm 2016.

Tim Page là nguồn cảm hứng cho Dennis Hopper thủ vai nhiếp ảnh gia liều lĩnh trong bộ phim về Chiến tranh Việt Nam ra rạp năm 1979 của đạo diễn Francis Ford Coppola - Apocalypse Now.

Tim Page là nhiếp ảnh gia tự học với mong muốn khắc họa sâu sắc nỗi buồn và sự vô ích của cuộc chiến tại Việt Nam. Ông từng nói với Vice.com vào năm 2013: “Bức ảnh chiến tranh nào cũng là một bức ảnh phản chiến”.

Bất cần và hoài nghi, Tim Page có thể gây khó chịu cho các quan chức quân đội Mỹ nhưng ông nhận được sự kính trọng của độc giả và binh lính vì ông bằng tuổi họ và đi những bước đầy bùn lầy bên cạnh họ.

Một bức ảnh Tim Page chụp tại chiến trường Việt Nam

tim page

Năm 1966, sau khi một quả lựu đạn phát nổ gần Tim Page, ông được người bạn thân nhất ở Việt Nam - nhiếp ảnh gia Sean Flynn, con trai của ngôi sao điện ảnh Errol Flynn - đưa đến bệnh viện. Các mảnh vỡ của quả lựu đạn đã được rút ra từ mặt ông. Năm sau, ông rời Việt Nam để phục hồi sức khỏe. Sau khi vết thương lành, ông lại chụp ảnh Chiến tranh Sáu ngày Ả Rập-Israel trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1968.

Vào tháng 4.1969, trong khi thực hiện nhiệm vụ cho tờ Time and Life, Tim Page đã có mặt trên một chiếc trực thăng hạ cánh khẩn cấp để giải cứu những người lính Mỹ bị thương. Ông theo một trung sĩ ra khỏi trực thăng để bốc những người bị thương. Trung sĩ giẫm phải mìn và cụt cả hai chân. Tim Page bị mảnh đạn găm vào phía trên mắt phải. Ông cố gắng xoay sở để thay ống kính trên máy ảnh của mình và chụp một vài tấm ảnh trước khi gục xuống trên trực thăng. Tim ông đã ngừng đập ba lần trong khi bác sĩ ước tính ông chỉ sống được vài phút.

Tim Page được đưa đến một bệnh viện dã chiến. Bác sĩ đặt một mảnh nhựa trong hộp sọ. Ông bị mất một phần não có kích thước bằng quả cam. Page đã dành thời gian dài chữa chạy tại Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed ở Washington, sau đó được chuyển đến một cơ sở phục hồi chức năng ở New York.

Gần như bị liệt nửa người bên trái, Tim Page từ từ lấy lại khả năng sử dụng tay và chân. Vào đầu những năm 1980, khi trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau hơn 10 năm, ông Page quyết định thành lập một đài tưởng niệm để vinh danh những nhà báo đã hy sinh ở Đông Nam Á. Ông làm một bộ phim tài liệu vào năm 1991 về cuộc tìm kiếm hai phóng viên Flynn và Stone trước khi cả hai bị giết ở Campuchia.

Tim Page (thứ hai từ phải sang) trong cuộc hội ngộ năm 2011 ở California (Mỹ) với các nhà báo tham gia Chiến tranh Việt Nam một thời, bao gồm Biên tập viên ảnh Carl Robinson của AP, Trưởng văn phòng AP Richard Pyle (từ trái sang) và phóng viên AP Edie Lederer (ngoài cùng bên phải)

Nick Út

Năm 1997, Tim Page và Horst Faas - nhiếp ảnh gia đoạt giải Pulitzer về Chiến tranh Việt Nam - đã xuất bản cuốn Requiem, trong đó có tác phẩm của 135 nhiếp ảnh gia đã chết ở Đông Dương từ năm 1945 đến 1975. Hình ảnh của Flynn và Stone xuất hiện trong cuốn sách, cùng với những bức ảnh của hai người bạn Tim Page là Larry Burrows và Henri Huet. Cả hai đều thiệt mạng vào năm 1971 khi chiếc trực thăng chở họ bị bắn rơi ở Lào.

Các bức ảnh từ Requiem được trưng bày tại nhiều bảo tàng ở Mỹ, châu Âu và Việt Nam. Cuốn sách giành được Giải thưởng George Polk về báo chí, Huy chương Vàng Robert Capa do Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại của Mỹ trao tặng để vinh danh các nhiếp ảnh gia chiến tranh nổi tiếng. Robert Capa đã chết khi giẫm phải mìn ở Việt Nam trong khi chụp ảnh về Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

“Tôi ngồi trong khách sạn ở New York vào đêm chúng tôi nhận giải Capa và bật khóc. Thật là một vinh dự. Robert Capa chết vào ngày sinh nhật thứ 10 của tôi năm 1954”, Tim Page nói với tờ Sydney Herald năm 2005.

Tim Page tên thật là Timothy John Page, sinh ngày 25.5.1944 tại Tunbridge Wells, Anh. Ông được nhận nuôi vài tháng sau khi sinh mà không hề biết danh tính của mẹ ruột. Cha ruột của ông phục vụ trong hải quân Anh và tử trận trong Thế chiến thứ hai.

Cha mẹ nuôi của Page sống ở Kent, nơi cha nuôi làm nghề kế toán và mẹ nuôi lo việc nội trợ. Năm 17 tuổi, Tim Page để lại một bức thư nói với cha mẹ nuôi rằng ông “rời nhà đến châu Âu và có thể gia nhập hải quân”. Ông đi từ châu Âu đến Pakistan và cuối cùng là Thái Lan, làm việc trong một nhà máy bia, làm đầu bếp rồi dạy tiếng Anh.

Tim Page kết hôn ba lần. Người vợ cuối là Marianne Harris, ông có một con trai, Kit. Trong những năm gần đây, Tim Page giảng dạy Đại học Griffith (Úc) và thường diễn thuyết tại các cuộc hội thảo về nhiếp ảnh ở Đông Nam Á. Kho lưu trữ của ông có ít nhất 750.000 bức ảnh mà ông đã chụp trong nhiều năm, bao gồm cả Việt Nam và các cuộc xung đột ở Trung Đông, Balkan, Afghanistan.

Tim Page từng nói với tờ Observer (Anh) vào năm 2001 rằng chiến tranh là “sự lãng phí của nhân loại… Tất cả những gì bạn thấy từ chiến tranh là đau khổ. Nạn nhân là ai? Mọi người tham gia chiến tranh đều là nạn nhân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.