Trong cảm xúc, nhiều cựu tù Côn Đảo đã hồi tưởng những tháng năm kinh hoàng nhất trong cuộc đời khi đối diện với lằn ranh sinh tử. Cựu tù Phan Thị Bé Tư (78 tuổi, nhân vật ảnh bìa sách) bị bắt vào ngày 7.1.1968, giam tại khám Chí Hòa, sau đó do tổ chức tang lễ Bác Hồ trong tù, bà bị đưa ra Côn Đảo năm 1969. "Kinh khủng nhất là lần gần 30 nam thanh niên không mặc quần áo, xông vào phòng nhốt chúng tôi toàn nữ. Lúc đó chúng tôi còn rất trẻ, chỉ khoảng 18 đôi mươi nhìn thấy cảnh đó ai cũng kinh hãi, nhưng rồi chúng tôi lấy lại bình tĩnh, dùng bất cứ thứ gì có trong phòng giam, kể cả thức ăn ném lại bọn chúng. Chúng tôi bị nhốt trong chuồng cọp, chỉ được ăn cơm với mắm thúi, sức khỏe sa sút ghê gớm vì thiếu muối. Đó là chưa nói những lần bị thả vôi bột, chân tay mình mẩy đều lở loét", bà Bé Tư kể. Sau nhiều lần bị tra tấn dã man, bà Bé Tư kiên quyết giữ vững khí tiết, sau cùng bà được thả vào ngày 5.3.1974.
Cựu tù Lê Hồng Tư dù tuổi cao sức yếu vẫn tham gia triển lãm. Ông đọc 4 câu thơ tự làm khi ở chuồng cọp Côn Đảo: Áo cơm chưa vướng bụi đời/Chưa hề mơ ước chuyện xa xôi/Hôm nay gặp cảnh đời ngang trái/Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi… Ông Tư bị bắt và đày ra Côn Đảo năm 1969, chịu bao nhục hình nhưng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng ngày chiến thắng.
Bà Nguyễn Ngọc Ánh (72 tuổi) bị bắt đúng ngày mùng 2 Tết Mậu Thân 1968. "Năm 1970, tôi bị chuyển về nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa) rồi bị đưa ra Côn Đảo lần 2 vào năm 1971. Sau Hiệp định Paris 1973, chúng tôi kiên quyết đấu tranh không cho giặc chuyển hồ sơ thành tù thường phạm để có cớ nhốt tiếp. Sau cùng năm 1974 chúng buộc phải thả", bà Ánh kể.
Cựu Giám đốc Nhà thiếu nhi TP.HCM Trần Thị Trúc Chi (70 tuổi) vẫn nhớ như in những năm tháng tù đày ở Côn Đảo từ 1972 - 1974. Bà nhớ nhất lần chuẩn bị trao trả sau Hiệp định Paris thì giặc lên kế hoạch chuyển tù chính trị sang thường phạm bằng cách làm lại hồ sơ mới. "Chúng tôi kịch liệt đấu tranh, phản ứng bằng cách khi chụp ảnh thì nhăn mặt, méo miệng, còn 10 ngón tay thì chà mạnh xuống nền nhà bật máu để chúng không thể lấy dấu vân tay. Quản giáo ra lệnh ném lựu đạn cay vào phòng giam để khuất phục ý chí mọi người nhưng rồi vẫn không thể lay chuyển", bà Chi xúc động nhớ lại.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á không ngăn được nước mắt khi chứng kiến tình cảm của những cựu tù Côn Đảo khi tìm về chốn xưa. Cuốn sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại của anh như lời tri ân đến thế hệ cha ông - những người đã vì sự bình yên của đất nước mà đánh đổi cả tuổi xuân và mạng sống của mình.
Triển lãm diễn ra từ ngày 27 - 30.7 cũng giới thiệu đến người xem những bức ảnh về Đội xử lý bom mìn lưu động - những người lặng thầm mang đến sự bình an cho nhân dân ở Quảng Trị, nơi còn lưu giữ nhiều "vết tích" chiến tranh trên mảnh đất hình chữ S. Họ làm việc như những "sứ giả hòa bình", đi tìm và khâu lại vết thương chưa lành cho quê hương…
Bình luận (0)