Đừng đánh đồng giải thưởng !
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Văn nhận định chúng ta có nhiều tay máy tham gia, đoạt giải và thường đánh giá cao ảnh thắng giải các cuộc thi của FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế), PSA (Hiệp hội Nhiếp ảnh Mỹ) hay ISF (Hiệp hội Hình ảnh không biên giới) mà không phân định rõ giá trị giải thưởng của các cuộc thi này. "Các cuộc thi trên tuy dành cho cả nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư nhưng chủ yếu là nghiệp dư tham gia vì ban giám khảo cũng đều là các tay máy nghiệp dư! Giải thưởng ảnh xuất sắc quốc gia hằng năm của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) trao cũng chủ yếu cho ảnh đã thắng giải FIAP, PSA hay ISF mà chưa chú ý tới sự chênh lệch về trình độ so với ảnh thắng giải các cuộc thi chuyên nghiệp khác", ông Văn nói. Ông cũng cho biết hầu như nhiếp ảnh gia Việt Nam rất ít khi thắng giải các cuộc thi uy tín như IPA (Mỹ), PX3 (Pháp), Hasselblad (Thụy Điển)...
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên bày tỏ: Nhiều tay máy Việt đoạt giải nhiếp ảnh thế giới do chụp được những bức ảnh đẹp, lạ, mang đậm phong cách Việt. Tuy nhiên nhiếp ảnh mang tính nhân văn cao thì rõ ràng ảnh Việt Nam chưa hay ít chạm đến.
Theo ông Văn, để tìm ra tác phẩm xuất sắc dự các cuộc thi lớn, cần thay đổi ngay từ cách thức tổ chức trại sáng tác, tập huấn về ảnh. Tuyển chọn nghệ sĩ nhiếp ảnh dự trại nên khắt khe hơn, không biến trại thành nơi nghỉ mát, an dưỡng. Có thể phân ra 2 loại trại sáng tác: một dành cho đại chúng, và còn lại cho các tay máy nổi tiếng, trình độ cao. Ngoài ra, việc thẩm định, đánh giá tại các cuộc thi cũng cần đổi mới mạnh mẽ. Nên lựa chọn gương mặt mới, đủ uy tín vào ban giám khảo. Tránh để tình trạng ngày càng nhiều "thợ chấm" sẽ khó có những cái nhìn tươi mới và khách quan. Quan điểm chọn ảnh thắng giải cần phải đề cao những sáng tạo độc đáo.
Sau cùng cần thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm sau triển lãm, liên hoan khu vực và các cuộc thi. Giám khảo phải dũng cảm đối mặt với câu hỏi của thí sinh tham gia để trả lời vì sao ảnh này thắng giải, vì sao ảnh này chỉ triển lãm còn ảnh kia đoạt giải…
Giáo dục nghệ thuật nhiếp ảnh cho giới trẻ
"Cần bổ sung thêm các tiết giảng dạy về cảm thụ vẻ đẹp của nhiếp ảnh, mỹ thuật ở trường phổ thông để nâng cao thị hiếu cho các bạn trẻ. Được giáo dục nghệ thuật từ sớm, sẽ giúp các em phát triển tư duy và năng khiếu", ông Văn nói và cho rằng đây là việc cần làm nếu muốn có một thế hệ nhiếp ảnh gia trẻ với tư duy mới.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên nhận định: "Tại nhiều nước phát triển, giáo viên dẫn các học sinh cấp 1 vào tham quan triển lãm, bảo tàng để các em hấp thu vẻ đẹp của mỹ thuật, do vậy khi trưởng thành đứng trước một bức tranh hay ảnh đẹp các em sẽ dễ cảm hơn".
Cựu nhà báo, nhiếp ảnh gia Bá Hân thì lặng thầm trong hơn 10 năm qua đào tạo nhiều bạn trẻ mê nhiếp ảnh theo đuổi nghề. Hằng năm, ông tuyển chọn các học sinh cấp 3 tham dự festival quốc tế nhiếp ảnh dành cho học sinh trung học được tổ chức vào tháng 8 tại TP.Higashikawa, đảo Hokkaido, Nhật Bản. Liên lạc với Bá Hân, ông cho biết ngày 14.8 ông lên đường đi Higashikawa cùng 3 học sinh ở Hà Nội tham gia festival nhiếp ảnh diễn ra từ ngày 19 - 25.8.
Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Hoàng Trưởng - tay máy nổi tiếng thâm niên của đất Sài thành, hiện là giảng viên nhiếp ảnh tại Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM, cũng góp phần đào tạo thế hệ trẻ. "Hằng tháng, tôi đều đứng lớp giảng dạy môn nhiếp ảnh chân dung gồm 2 tiết lý thuyết và 2 tiết thực hành cho các bạn trẻ tại trụ sở Hội Nhiếp ảnh TP.HCM. Niềm vui của tôi giờ là được truyền nghề lại cho thế hệ sau", ông Trưởng nói.
PHẢI ĐỘC ĐÁO, "ÁM ẢNH"
"Một bức ảnh có ánh sáng đẹp sẽ tạo ra vẻ đẹp thu hút thị giác và khơi gợi cảm xúc người xem. Tuy nhiên, ý tưởng độc đáo mới tạo ra một bức ảnh có thể "sống sót" qua năm tháng. Khái niệm ảnh đẹp vì thế không quan trọng mà bức ảnh đó có "ám ảnh" không, có đem lại một giá trị hay khái niệm nào đó mới mẻ không mới là điều quan trọng", nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Văn
Bình luận (0)