Ngày 7.7, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, trong ngày 6.7, lưu lượng về các hồ chứa thủy điện ở Bắc bộ nhiều và dao động ổn định.
Cụ thể, lưu lượng nước về hồ thủy điện Sơn La lớn nhất với 2.128 m3/giây, hồ thủy điện Lai Châu 616 m3/giây, hồ thủy điện Hòa Bình 40 m3/giây, hồ thủy điện Thác Bà 125 m3/giây, hồ Tuyên Quang 614 m3/giây, hồ Bản Chát 234,9 m3/giây. Do lưu lượng nước về hồ nhiều, các nhà máy thủy điện nhỏ ở Bắc bộ đang tăng công suất phát điện.
Theo thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), trong ngày 6.7, tiếp tục ghi nhận sự gia tăng sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện ở miền Bắc khi đạt 153,2 triệu kWh, tăng 5,9 triệu kWh so với ngày 5.7
Trong khi đó, sản lượng nhiệt điện tiếp tục ghi nhận sản lượng sụt giảm với 258,6 triệu kWh trong ngày 6.7, giảm 3,8 triệu kWh so với ngày 5.7.
Trong ngày 6.7, miền Bắc có 4 nhà máy nhiệt điện bị suy giảm công suất, gồm: Mông Dương 2, Mông Dương 1, Thăng Long, Hải Dương. Trong khi đó, tổng công suất không huy động được trong các sự cố nhiệt điện dài ngày là 2.100 MW; sự cố ngắn ngày của Nhà máy nhiệt điện Đông Triều (Quảng Ninh) là 220 MW do hỏng khay chổi than cổ góp máy phát. Hiện tại, nhà máy này đang cho giải thể phần cổ góp, rà soát lại vật tư (khay, chổi than) để lập phương án khắc phục.
Cũng theo thông tin từ Cục Điều tiết điện lực, hệ thống điện miền Bắc đã trở lại trạng thái vận hành bình thường với khả năng đáp ứng nhu cầu phụ tải đạt trung bình khoảng 451,6 triệu kWh/ngày. Trong đó, ngày cao nhất có thể lên tới 470 triệu kWh/ngày, với công suất đỉnh của hệ thống điện khoảng 23.000 MW.
Miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, dự kiến trong thời gian tới lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421 - 425 triệu kWh/ngày.
Trong trường hợp cực đoan không có lũ về, miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ hàng ngày để đáp ứng nhu cầu phụ tải, tuy nhiên khả năng tích nước sẽ khó khăn.
Bình luận (0)