Theo VMO, mức nhiệt độ bình quân toàn cầu trong tháng 1.2025 cao hơn 1,75 °C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Đây cũng là tháng thứ 18 trong 19 tháng đã qua mà nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn 1,5°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. "Điều đáng lưu ý là kỷ lục nhiệt này xảy ra trong điều kiện La Nina nhưng nhiệt độ còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2024 vốn là giai đoạn El Nino hoạt động mạnh", WMO nhấn mạnh.

Theo WMO, tháng 1 năm nay dù đang La Nina nhưng nhiệt độ toàn cầu còn cao hơn so với cùng kỳ năm 2024
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tuy nhiên, nhiệt độ biến đổi không đồng đều ở một số nơi. Cụ thể, nhiệt độ ở hầu hết các nơi trên thế giới đều cao hơn mức trung bình các năm nhưng một số nơi như Mỹ, Greenland và vùng Viễn Đông của Nga lại thấp hơn.
Ngoài nhiệt độ không khí, nhiệt độ bề mặt biển ở hầu hết các khu vực cũng cao hơn mức trung bình, ngoại trừ khu vực trung tâm và đông Thái Bình Dương thấp hơn mức trung bình - do tương ứng với La Nina. Và nhiệt độ bề mặt biển toàn cầu ở mức cao thứ 2 chỉ sau tháng 1.2024.
Trong tháng 1.2025, một số trận mưa lớn đã dẫn lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng khu vực miền nam Brazil. Tương tự, ở miền Trung Java của Indonesia mưa như trút nước khiến các con sông tràn bờ gây lũ lụt và lở đất khiến hàng chục người tử vong.
Nhiệt độ trái đất nóng hơn dù đang La Nina
La Nina xuất hiện vào tháng 12.2024 và dự báo sẽ kéo dài đến tháng 2 - 4 năm 2025.
Năm 2024 là năm nóng nhất được ghi nhận với mức nhiệt độ cao hơn 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong 10 năm qua cũng là 10 năm ấm nhất lịch sử được ghi nhận. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng mọi phần tác động nhỏ nhất của việc làm cho trái đất ấm lên đều sẽ trở thành phần quan trọng và chúng ta cần tìm cách khắc phục để đạt được mục tiêu dài hạn của Thỏa thuận chung Paris.
Bình luận (0)