Nhiều bác sĩ trẻ 'chỉ biết ngồi khóc' khi bị xử lý vi phạm thẩm mỹ

22/08/2024 14:37 GMT+7

Nhiều bác sĩ làm thẩm mỹ có tuổi đời còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm và vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh. Thanh tra Sở Y tế TP.HCM mời lên thì chỉ biết ngồi khóc.

Trước thực trạng ngày càng nhiều cơ sở thẩm mỹ không phép và tai biến thẩm mỹ diễn ra liên tục, ngày 22.8, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.


Nhiều bác sĩ trẻ 'chỉ biết ngồi khóc' khi bị xử lý vi phạm thẩm mỹ- Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn trong phẫu thuật thẩm mỹ

DU YÊN

Nhận diện thẩm mỹ “chui”

Tại hội nghị, bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã nói về thách thức trong thanh tra, kiểm tra, xử lý về quảng cáo và hành nghề trong thẩm mỹ. Theo ông, trên địa bàn TP.HCM có 3.891 cơ sở thẩm mỹ các loại, nhưng chỉ có 772 cơ sở thẩm mỹ (bệnh viện thẩm mỹ, khoa thẩm mỹ trong bệnh viện đa khoa, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu) do Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế cấp phép.

Số cơ sở thẩm mỹ còn lại như spa, chăm sóc da (phi y tế) do quận, huyện, Sở KH-ĐT TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không thuộc diện quản lý của ngành y tế. Trong đó, một số cơ sở lấn sân sang lĩnh vực y tế (phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm filler, botox…).

Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, những vi phạm trong lĩnh vực thẩm mỹ gồm: thẩm mỹ không phép, thẩm mỹ “chui”, thẩm mỹ “chui” núp bóng những cơ sở có phép; người thực hiện không phải là bác sĩ; quảng cáo không phép…

“Việc quản lý các cơ sở thẩm mỹ trái phép gặp khó khăn khi những cơ sở “chui” len lỏi trong những khu vực dân cư, nhà dân, chung cư… Thậm chí một số cơ sở đối phó với lực lượng chức năng như thay tên đổi họ, di chuyển qua nhiều địa bàn khác nhau, đối phó ngay khi tiếp đoàn kiểm tra như kích hoạt báo cháy để tẩu thoát”, bác sĩ Hân nói.

Theo bác sĩ Hân, gốc rễ của thẩm mỹ trái phép là đào tạo làm thẩm mỹ trái phép. Hiện có nhiều lớp dạy, đào tạo ra bác sĩ tay ngang, đặc biệt là dạy tiêm chích meso, tiêm filler trong khoảng 1 - 2 ngày hoặc 1 tuần là hành nghề. Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đánh giá vì lợi nhuận, nhiều người cố ý không tuân thủ quy định. Ông cũng nhìn nhận về vấn nạn quảng cáo trái phép trên mạng xã hội, trong khi việc chế tài, xử phạt chưa đủ mạnh…

Nhiều bác sĩ trẻ vi phạm "chỉ biết ngồi khóc"

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện có nhiều khoảng trống trong lĩnh vực thẩm mỹ như điều kiện cấp phép (cơ sở vật chất, thiết bị y tế, vật tư, thuốc, nhân sự và năng lực của nhân sự) và phạm vi hành nghề; về năng lực và đào tạo người hành nghề (bác sĩ); về quy định mua, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế thẩm mỹ; hồ sơ bệnh án…

“Bác sĩ thẩm mỹ phải nhận ra hoạt động chỉ trong phạm vi, năng lực của mình. Bác sĩ thẩm mỹ phải biết điểm dừng, cái nào quá phạm vi chuyên môn thì giới thiệu cơ sở, đồng nghiệp đủ năng lực”, PGS-TS Dũng nói.

Bác sĩ thẩm mỹ chỉ phẫu thuật thẩm mỹ ở cơ sở được cấp phép, chính danh. Thanh tra Sở Y tế TP.HCM từng mời những bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ lên làm việc, xử lý, có những người rất trẻ, chưa có kinh nghiệm trong nghề. Họ lên chỉ biết ngồi và khóc vì vi phạm pháp luật. Theo PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, cộng đồng thẩm mỹ phải xóa được cái xấu, phục vụ tốt cho người dân.

Sở Y tế TP.HCM sẽ quản lý hồ sơ bệnh án thẩm mỹ

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, qua các tham luận, ý kiến đã thấy rõ những biến tướng của thẩm mỹ, những nguyên nhân gốc rễ gây tai biến thẩm mỹ, vì vậy cần có giải pháp.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trên thế giới có 3 nhóm giải pháp quản lý thẩm mỹ. Thứ nhất, bổ sung thêm quy định và siết chặt các quy định liên quan đến thẩm mỹ (cấp phép, giấy phép hành nghề, phòng khám). Thứ hai minh bạch hóa cho người dân biết về cơ sở, công khai cơ sở vi phạm. Thứ ba, đẩy mạnh quản lý chặt chẽ thuốc, vật tư, trang thiết bị liên quan đến thẩm mỹ, không phải ai mua cũng được.

“Sở Y tế TP.HCM đang thực hiện và kiến nghị thực hiện 3 điểm trên và bổ sung thêm hai nhóm. Đó là Sở khẩn trương chuẩn hóa quy trình kỹ thuật (phác đồ), từ chỉ định đến kỹ thuật thẩm mỹ một cách thống nhất. Cuối cùng, Sở bắt buộc các bệnh viện, phòng khám làm nghiêm hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ. Để thuận lợi, Sở sẽ số hóa hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ. Mọi dữ liệu bệnh án thẩm mỹ do cơ sở thực hiện sẽ liên thông về Sở Y tế để quản lý. TP.HCM sẽ thí điểm làm vấn đề này”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin.

8 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành hơn 280 quyết định xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh với tổng số tiền hơn 13,4 tỉ đồng.

Riêng Q.3 ban hành xử phạt 18 cơ sở với tổng số tiền là 300 triệu đồng, Q.10 ban hành 42 quyết định xử phạt với số tiền gần 1,5 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chính như hoạt động không phép, hành nghề không phép, quảng cáo không phép…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.