Ngày 20.4, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc rà soát, sắp xếp lại và xử lý tài sản công trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2021.
Trong giai đoạn này, TP.HCM đã cơ bản hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý 759 địa chỉ nhà, đất công với tổng diện tích hơn 10 triệu m2; trong đó giữ lại tiếp tục sử dụng 213 địa chỉ, thu hồi 68 địa chỉ, điều chuyển 68 địa chỉ, bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 144 địa chỉ, tạm giữ lại tiếp tục sử dụng 38 địa chỉ và phương án xử lý khác 277 địa chỉ.
Các tài sản sử dụng sai mục đích, sai đối tượng sau khi thu hồi được bán đấu giá tạo nguồn vốn xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, nâng cấp cơ sở hạ tầng địa phương, đầu tư nâng cao năng lực kinh doanh. Hơn 5 năm qua, TP.HCM tổ chức bán đấu giá được 4 địa chỉ nhà đất, thu về 1.735 tỉ đồng.
Tuy nhiên, UBND TP.HCM thừa nhận tình trạng lãng phí, sử dụng không đúng mục đích vẫn còn khá lớn do khối lượng nhà đất nhiều, có đặc điểm lịch sử hình thành từ nhiều nguồn, có sự thay đổi qua nhiều cấp, hồ sơ bị thất lạc, công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài. Chưa kể, một số đơn vị dù đã được phê duyệt phương án xử lý nhưng vẫn cho thuê, liên doanh liên kết, để trống.
Báo cáo của UBND TP.HCM cũng nêu ra nhiều bất cập trong việc cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, theo quy trình, các đơn vị sự nghiệp phải lập phương án, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên rà soát, sau đó gửi Sở Tài chính thẩm định, rồi mới trình Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt từng đề án cụ thể.
Trong trường hợp sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thì UBND TP.HCM phải lấy ý kiến Thường trực HĐND TP.HCM. Hiện TP.HCM có 1.888 đơn vị sự nghiệp công lập với nhiều mô hình, lĩnh vực hoạt động khác nhau; phần lớn các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao… có nhu cầu sử dụng mặt bằng để hỗ trợ hoạt động như làm căn tin, bãi giữ xe... Tuy nhiên, việc xem xét, thẩm định, có ý kiến và phê duyệt từng đề án sẽ mất rất nhiều thời gian và không kịp thời, tạo áp lực lên UBND TP.HCM và Sở Tài chính.
Để tháo gỡ bất cập này, UBND TP.HCM kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham mưu trình Quốc hội sửa đổi quy định, cho phép giao thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm tổ chức, sử dụng tài sản công vào hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp, phục vụ cán bộ, công chức và khách đến giao dịch. Trong thời gian chờ Chính phủ xem xét sửa đổi quy định, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ xem xét cho phép Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn và chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại đơn vị sự nghiệp công lập theo luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo khoản 9 điều 5 Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công của các cơ quan, đơn vị thuộc T.Ư quản lý để đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội nhưng hơn 4 năm qua TP.HCM chưa thu được đồng nào.
Bình luận (0)