Nhiều bến xe chết yểu

01/03/2022 07:29 GMT+7

Nhiều bến xe tuyến huyện ở Hà Tĩnh được đầu tư tiền tỉ, nhưng đang rơi vào tình cảnh chết yểu vì không hiệu quả.

Chưa hoạt động đã "đắp chiếu"

Đó là Bến xe Cẩm Xuyên (đóng cạnh QL1A thuộc tổ dân phố 9, TT.Cẩm Xuyên, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Bến xe này có tổng mức đầu tư gần 30 tỉ đồng, được xây dựng vào năm 2014 trên diện tích 5.000 m2, do Ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Đến năm 2015, khi mới xây dựng được nhà điều hành bán vé và khuôn viên bao quanh thì công trình này dừng lại do thiếu vốn, bỏ hoang cho đến nay. Theo ghi nhận của PV, do nhiều năm không sử dụng nên toàn bộ các hạng mục của bến xe đã xây dựng đều xuống cấp trầm trọng, xung quanh khuôn viên bến xe cỏ mọc um tùm. Tại đây cũng không có người trông coi, bảo quản các tài sản.

Bến xe Cẩm Xuyên xây dựng chưa xong đã “đắp chiếu” nhiều năm nay

PHẠM ĐỨC

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Xuyên, cho biết chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị chủ đầu tư và Sở GTVT tỉnh bố trí vốn để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại nhằm sớm đưa bến xe đi vào hoạt động. “Muốn bến xe hoạt động được phải xây dựng thêm các hạng mục phụ trợ khác, đặc biệt là kiện toàn ban quản lý bến xe để vận hành. Về phía địa phương, chúng tôi rất mong muốn bến xe sớm đi vào hoạt động, chứ để không thế này là rất lãng phí”, ông Anh nói.

Không chỉ Bến xe Cẩm Xuyên mà hầu hết các bến xe tuyến huyện ở Hà Tĩnh cũng đang rơi vào tình cảnh “chết lâm sàng” như: Bến xe Hồng Lĩnh (TX.Hồng Lĩnh), Bến xe Hương Sơn (H.Hương Sơn), Bến xe Kỳ Anh (H.Kỳ Anh)… Phần lớn các bến xe này hiện nay cũng đang hoạt động cầm chừng vì rất ít xe ra vào để đón trả hành khách. Còn riêng Bến xe Can Lộc (H.Can Lộc), được xây dựng tiền tỉ vào năm 2008, trên khu đất rộng hơn 11.000 m2 cạnh QL1A nhưng đã dừng hoạt động từ nhiều năm nay.

Một nhân viên làm tại Bến xe Hồng Lĩnh nói rằng, bến xe này được đầu tư 8 tỉ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2010 cho đến nay. Mấy năm đầu, bến xe quản lý khoảng 50 đầu xe, nhưng mấy năm trở lại đây chỉ còn 7 đầu xe thường xuyên ra vào. Thậm chí, bến xe này có ngày chẳng có nổi một đầu xe hoặc không có bóng dáng hành khách nào ra vào. “Nguyên nhân các nhà xe không vào bến là do không có khách đặt vé vì người dân chủ yếu bắt xe dọc đường cho thuận tiện. Ngoài ra, một số nhà xe đặt điểm bán vé dọc đường, qua mạng và còn mở dịch vụ đưa đón khách tận nơi. Còn vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên rất hiếm hành khách tìm đến bến xe để mua vé”, nhân viên này than thở.

Chờ phương án từ tỉnh

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh, cho hay đơn vị này hiện đang quản lý 6 bến xe tuyến huyện và hiện tại tất cả các bến xe này đang phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Cũng như các bến xe trên cả nước, hoạt động vận tải hành khách trở nên điêu đứng suốt 2 năm nay do nhu cầu đi lại của người dân giảm sút rõ rệt do tình hình dịch bệnh phức tạp. Vì không có kinh phí để duy trì hoạt động nên buộc các bến xe tạm thời đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Còn về Bến xe Cẩm Xuyên bị dừng lại khi chưa xây dựng xong là do nhiều nguyên nhân và hiện đang chờ tỉnh cho phép cổ phần hóa bến xe hoặc cho sáp nhập để đưa vào hoạt động”, ông Trung nói.

Theo một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh, đơn vị này cũng đã đề xuất với UBND tỉnh cho thẩm định lại các dự án bến xe xây dựng dở dang và dừng hoạt động để bán đấu giá cho các doanh nghiệp tư nhân. Mục đích sử dụng vẫn là để phục vụ cho việc vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Tuy nhiên, phương án thế nào vẫn đang chờ tỉnh quyết định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.