Nhiều bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ nặng dưới 30 tuổi, nhiễm HIV

22/12/2023 13:09 GMT+7

Trong 49 ca đậu mùa khỉ điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong 3 tháng vừa qua, có 6 ca nặng đã tử vong, 40 người xuất viện, 3 bệnh nhân đang điều trị.

Thông tin trên được bác sĩ chuyên khoa 1 Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chia sẻ tại Hội nghị phòng chống dịch năm 2023 khu vực phía Nam, do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức ngày 22.12.

Trong số 49 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, có 97% là nam giới, 3% là nữ, đa phần ở độ tuổi trẻ 18-40 tuổi. Trong đó nhóm quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) chiếm 88%. 70% bệnh nhân có quan hệ tình dục không an toàn như không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, có nhiều bạn tình...

Về tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ, theo bác sĩ Hoa, tỷ lệ này không đại diện cho cộng đồng vì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là nơi tiếp nhận những ca bệnh nặng. Nhiều bệnh nhân kèm các biến chứng như sốc nhiễm trùng, viêm mô tế bào, áp xe da, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận...

Nhiều bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ nặng dưới 30 tuổi, nhiễm HIV- Ảnh 1.

Sang thương da rộng, sâu là dấu hiệu mắc đậu mùa khỉ nặng

BVBND

Nhiều bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ nặng ở độ tuổi trẻ (18-30), nhiễm HIV giai đoạn AIDS nhưng không điều trị thuốc ARV hoặc chỉ mới bắt đầu điều trị. Hoại tử, loét sâu, rộng, bội nhiễm vi trùng gây viêm mô tế bào, áp xe da cơ nặng, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan... là bệnh cảnh chính gây tử vong.

Theo kết luận từ các báo cáo trên thế giới, tỷ lệ người nhiễm HIV bị nhiễm đậu mùa khỉ chiếm tỷ lệ từ 38-50%. Các ca bệnh nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có diễn biến đa số giống các ca nặng như trên thế giới.

"Nhóm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ nặng có thể nhận biết sớm qua triệu chứng như sang thương da rộng, sâu, nhiều vị trí, mắc HIV giai đoạn AIDS, chưa điều trị, bỏ trị, mới trị ARV, nồng độ CD4 thấp...", bác sĩ Hoa chia sẻ.

Dự báo năm 2024, tình hình bệnh truyền nhiễm còn phức tạp

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đậu mùa khỉ là bệnh mới nổi đã xâm nhập vào nước ta và ghi nhận tại 10/20 địa phương khu vực phía Nam với 113 ca mắc và 6 ca tử vong. Ngoài ra, trong năm 2023 tuy một số bệnh đã có giảm so với cùng kỳ năm trước như sốt xuất huyết giảm 72%; Covid-19 giảm 98% nhưng bệnh dại giảm không đáng kể, trở thành điểm nóng mới trên bình diện toàn quốc. Đồng thời vẫn ghi nhận các bệnh khác tăng như tay chân miệng với số mắc tăng 2,7 lần, số tử vong tăng 25 ca và tuýp vi rút EV71 chiếm ưu thế;

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dự báo năm 2024 tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam sẽ còn diễn tiến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. 

Tại khu vực phía Nam, bệnh tay chân miệng sẽ có thể tiếp tục ghi nhận tuýp vi rút EV71 gây bệnh cảnh nặng do chu kỳ dịch kéo dài 2 năm liền kề. Bệnh lây truyền qua động vật vẫn có nguy cơ cao có thể xuất hiện trở lại bất cứ khi nào do thường xuyên phát hiện ổ dịch trên động vật như ổ dại trên chó, ổ dịch cúm A/H5 trên gia cầm...

Bệnh Covid-19 vẫn còn yếu tố khó lường chưa mang tính chất ổn định về xu hướng và tác nhân vi rút. Ngoài ra, các tác nhân gây viêm đường hô hấp cũng có xu hướng khó dự đoán như trong thời gian qua. Bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập và tiếp tục ghi nhận ca mắc mới trên nhóm nguy cơ cao, HIV có xu hướng gia tăng...

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, bên cạnh các nỗ lực triển khai hoạt động đạt hiệu quả trong thời gian qua, các đơn vị y tế cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như nguồn kinh phí đầu tư, giải ngân cho hoạt động giám sát điều tra đáp ứng dịch, xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị còn gặp nhiều vướng mắc. Còn tâm lý e dè của các địa phương trong chủ động mua sắm hóa chất, sinh phẩm, thuốc điều trị đặc hiệu. Thiếu mức chi, định mức kỹ thuật, dẫn tới các hoạt động phòng chống dịch thường xuyên bị ngưng trệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.