Hội nghị có sự tham dự của ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Đỗ Quốc Việt - Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ VH-TT-DL, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM… cùng đông đảo giới làm phim: các nhà sản xuất, nhà phát hành, đạo diễn, đại diện các hệ thống rạp lớn tại VN, các đơn vị sở hữu nền tảng chiếu phim trực tuyến…
Nhiều điểm mới so với luật Điện ảnh 2006
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, nhấn mạnh: “Buổi hội nghị - hội thảo hôm nay vô cùng quan trọng vì bộ phận làm luật sẽ ghi nhận, để sửa đổi, bổ sung cho các nghị định quan trọng, và sau đó luật sẽ đi vào đời sống, liên quan rất lớn đến điện ảnh Việt, giới làm phim, những người hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa…”.
Cảnh trong phim Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác |
ĐPCC |
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, nói: “Luật Điện ảnh 2022 vừa được Quốc hội khóa 15 thông qua vào ngày 15.6, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023 và đây là hội nghị để giới thiệu, triển khai thực hiện luật Điện ảnh. Luật Điện ảnh 2022 có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và rất nhiều điểm mới so với luật Điện ảnh 2006 (và cả luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung năm 2009)”.
Theo đó, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, luật quy định rõ việc đầu tư và hỗ trợ (khoản 2 điều 5) nhằm tạo sự linh hoạt trong chính sách của Nhà nước. Luật đã thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước để huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp điện ảnh, tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh. Về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (điều 9), luật quy định chi tiết, cụ thể những nội dung và hành vi bị cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ luật với 11 chi tiết cụ thể; và nghiêm cấm thực hiện 8 hành vi được gạch đầu dòng rõ ràng. Luật mới cũng đã bỏ đi một số hành vi quy định không rõ ràng, khó xác định ra khỏi nội dung bị cấm. Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, luật đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích của quỹ (điều 44), nguyên tắc hoạt động của quỹ (điều 45) nhằm nâng cao tính khả thi; đồng thời quỹ này với vốn hỗ trợ ban đầu của Nhà nước sẽ giúp đỡ cho các dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ, tạo điều kiện cho các phim xuất sắc tham gia các giải thưởng, liên hoan phim quốc tế…
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, phát biểu tại hội thảo |
P.C.T |
Phim sử dụng ngân sách Nhà nước được quy định rõ ràng hơn
Việc làm phim có sự hỗ trợ ngân sách từ nhà nước rất được các hãng phim quốc doanh lẫn tư nhân quan tâm. Trước những thắc mắc, ông Tạ Quang Đông giải đáp rõ: “Ai đủ năng lực thì sẽ được nhận dự án và cụ thể như thế nào đã ghi rõ trong luật Điện ảnh 2022, lẫn ở dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh”.
Điều 14 luật Điện ảnh 2022 quy định việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu (trong trường hợp số lượng kịch bản, dự án sản xuất phim vượt quá kế hoạch sản xuất); và chủ đầu tư sẽ là Bộ VH-TT-DL, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội… Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim, thành lập hội đồng thẩm định kịch bản, lựa chọn dự án sản xuất phim và được huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để sản xuất phim, với tiêu chí ưu tiên làm phim về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, trẻ em, vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa VN.
Hai phim đặt hàng từ ngân sách nhà nước: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thành công về doanh thu nhưng Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác lại không thắng khi ra rạp |
ĐPCC |
Quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước cũng được nêu rõ trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật Điện ảnh. Căn cứ kế hoạch sản xuất phim đã được phê duyệt và kết quả thẩm định kịch bản thì với phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đơn vị làm phim phải lập hồ sơ dự án sản xuất gửi cơ quan quản lý với đầy đủ chi tiết như: giá sản xuất phim, kịch bản chi tiết và phương án sản xuất phim (ghi rõ ai đạo diễn, có sự góp mặt của diễn viên chính nào…), phương án phát hành, phổ biến phim… Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim do chủ đầu tư thành lập sẽ tiếp nhận và đánh giá, định giá tổng thể hồ sơ để có quyết định làm phim hay không và kết quả lựa chọn sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, khách quan.
Cởi mở hơn với việc chiếu phim sau 0 giờ tại rạp
Về việc có thay đổi khung giờ, cho phép chiếu phim sau 0 giờ (khi Nghị định 38/2021 quy định xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng với hoạt động chiếu phim sau 0 giờ, và 4 doanh nghiệp điện ảnh: CGV, BHD Star, Galaxy, Lotte vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng mong muốn bãi bỏ quy định xử phạt), ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021 có ghi rõ ở điều 10 về những vi phạm quy định về phổ biến phim rằng: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi phổ biến phim ngoài khoảng thời gian theo quy định tại rạp chiếu phim; có nghĩa là đã thoáng hơn so với quy định cũ là các cụm rạp sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi chiếu phim ngoài khoảng thời gian từ 8 - 24 giờ hằng ngày. Khi luật không quy định vào giờ giấc như trước, thì tùy vào đề án phát triển kinh tế ban đêm ở VN mà Chính phủ đã phê duyệt từ tháng 7.2020 trong việc đầu tư xây dựng tổ hợp giải trí đêm riêng biệt ở mỗi thành phố, đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… quyết định ra sao thì họ sẽ được hoạt động đến giờ giấc nào và không bị phạt nữa. Dự thảo để sửa đổi Nghị định 38/2021 với quy định mới như vậy là đã rất mở”.
Bình luận (0)