Cụ thể, theo thông tin ban đầu, nam bệnh nhân (BN) thứ 22 (người Anh) được điều trị Covid-19 tại Đà Nẵng từ 8 - 27.3. BN được xét nghiệm 3 lần âm tính và cũng đã thực hiện cách ly 14 ngày sau khi xuất viện.
Ngày 10.4, BN đi cùng bạn (BN 23) từ Đà Nẵng vào TP.HCM trên chuyến bay VN125. BN 22 được lấy mẫu sàng lọc tại sân bay; đến ngày 11.4 thì xuất cảnh về Anh. Sáng 13.4, kết quả xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới xác định BN 22 dương tính trở lại với vi rút SARS-CoV-2. Ngay lập tức, cơ quan chức năng đã kiểm tra, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm 50 người tiếp xúc với BN này. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 14.4, ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, xác nhận có 23 nhân viên y tế, phục vụ khách sạn và lái xe có tiếp xúc gần với BN đã được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính; nhóm 25 người phục vụ và nhân viên an ninh trên chuyến bay đi TP.HCM trở về Đà Nẵng cũng được lấy mẫu xét nghiệm, đến chiều qua 14.4 cũng cho kết quả âm tính.
Chưa thể khẳng định tái nhiễm
Tối 14.4, Bộ Y tế cho biết cơ quan chuyên môn của TP.HCM và Đà Nẵng đang cùng phối hợp để xem xét kỹ về trường hợp này. Các đơn vị xét nghiệm sẽ có đối chiếu về kết quả, đặc điểm của vi rút gây bệnh (khi điều trị tại Đà Nẵng) và đặc điểm vi rút trong lần xét nghiệm sau, khi BN xuất cảnh về nước. Nếu cả hai lần nhiễm đều cùng một týp vi rút thì có thể xác định BN 22 tái nhiễm. Nếu týp vi rút SARS-CoV-2 mà BN bị nhiễm lần 2 khác với lần 1 thì có nghĩa BN 22 nhiễm bệnh do tác nhân khác, không do tái nhiễm.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết tại BV đã điều trị cho rất nhiều ca Covid-19, trong đó có một số ca đang dương tính rồi chuyển sang âm, rồi 1 - 2 ngày chuyển sang dương tính nhẹ, rồi chuyển sang âm tính… Có ca chuyển âm - dương nhiều ngày kéo dài đến 10 ngày. “Vi rút tồn tại trong đường hô hấp khá lâu rồi mới âm tính hẳn. Do vậy, có nhiều trường hợp phải điều trị kéo dài dù BN không có triệu chứng, khỏe và BV phải làm xét nghiệm liên tục một tuần (ngày nào cũng lấy mẫu làm xét nghiệm) và nguyên một tuần âm tính mới chắc chắn là âm tính thì mới dám cho về nhà”, TS-BS Vĩnh Châu nói.
Trong khi đó, theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, người bị nhiễm SARS-CoV-2 khi hết bệnh đa số thành người bình thường, không còn phát tán vi rút, nhưng một số nhỏ có thể chuyển sang người lành mang vi rút (có thể lây bệnh), dù không có triệu chứng nhưng trong người có vi rút. Còn trường hợp tái nhiễm ngay cho tới nay chưa thấy, vì miễn dịch cơ thể có thể phòng bệnh 6 - 12 tháng, thậm chí 18 tháng.
Người châu Âu mang bệnh nặng hơn
Cũng theo Bộ Y tế, các nghiên cứu ban đầu tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Hà Nội) đã cho thấy có sự khác biệt rõ giữa vi rút phân lập được từ bệnh phẩm của BN Covid-19 hồi đầu vụ dịch (là các ca bệnh về từ một số nước châu Á) với vi rút được thấy trên bệnh phẩm của BN về từ các nước có dịch tại châu Âu.
BS Trương Hữu Khanh cũng cho rằng, tại VN đã có đủ “sắc thái” nặng - nhẹ của dịch Covid-19. Đầu tiên nhóm bệnh từ Vũ Hán Trung Quốc về VN thì bệnh nhẹ. Những ca bệnh về từ châu Âu tới VN là nặng: thở máy, lọc máu, tim phổi nhân tạo (ECMO). Những ca bệnh lây nội tại trong nước thì nhẹ dù nhức mỏi, đau rát họng nhiều, sốt ho, nhiều ca tự lướt qua khỏi bệnh. Tuy nhiên, BS Khanh khuyến cáo biện pháp phòng ngừa không thay đổi, thậm chí càng phải bảo vệ đối tượng nguy cơ để cho vi rút lây chậm lại để dần tới mức vi rút thuần ở VN hoặc chờ tới khi có vắc xin. “Nếu số lượng người lành mang vi rút nhiều mà chúng ta bỏ qua các biện pháp phòng chống và nó lây nhiễm cho nhiều người khác thì sẽ gây cho ngành y tế nhiều khó khăn”, BS Khanh nói và khuyến cáo giờ vi rút đã tấn công vào các thành phần lao động (công nhân làm ở Samsung, người buôn bán ở chợ…). “Nếu không quyết liệt phòng ngừa ở công ty, chợ… thì không chỉ lây cho đồng nghiệp, người đi chợ mà vi rút có thể lây rất nhanh như kiểu “nhảy cóc” của quả bóng bàn. Hậu quả là xí nghiệp, công ty, chợ búa phải đóng cửa, và bị mất công ăn việc làm”, BS Khanh khuyến cáo.
“Vá” lỗ hổng phối hợp giữa các địa phương
Một vấn đề khác nảy sinh sau vụ BN 22 là đã có lỗ hổng trong phối hợp giữa CDC các địa phương. Cụ thể, khi BN 22 có thông tin dương tính (ngày 13.4), CDC Đà Nẵng hoàn toàn không nhận được bất cứ phản hồi và khuyến cáo chính thức nào từ phía CDC TP.HCM (HCDC); chỉ khi chủ động kết nối mới có được thông tin…
Ngoài ra, theo ông Tôn Thất Thạnh, hiện Bộ Y tế cũng chưa có quy định việc xét nghiệm lại sau cách ly theo dõi sức khỏe 14 ngày, đối với những trường hợp BN khỏi bệnh. “Sắp tới Đà Nẵng sẽ chủ động thực hiện xét nghiệm đối với cả BN khỏi bệnh, sau cách ly tại nhà 14 ngày. Thực ra, con số 14 ngày là con số chung về giám sát dịch cộng đồng. Còn lại mỗi ca mỗi khác, phải có hồ sơ y tế theo dõi sát sao đối với những trường hợp nào nghi ngờ về sức khỏe”, ông Thạnh nói.
Trong khi đó, để phòng chống các trường hợp khỏi bệnh tái nhiễm trở lại có thể lây lan cho cộng đồng, HCDC đã tiến hành theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các BN Covid-19 khỏi bệnh về cách ly tại nhà. Hiện HCDC đã lập hồ sơ theo dõi 25 ca, trong đó 20 ca đã lấy mẫu xét nghiệm (6 ca âm tính, 14 ca đang chờ kết quả); 5 ca chờ đến ngày lấy mẫu xét nghiệm.
Bình luận (0)