Ông Karim năm ngoái đã bị kết tội tấn công tình dục một số nữ cầu thủ bóng đá Afghanistan trong suốt 5 năm và nhận án hình phạt nghiêm khắc nhất của FIFA: cấm hoạt động bóng đá suốt đời và nộp số tiền 1 triệu USD. Vị quan chức này ngay sau đó đã gửi đơn kháng cáo lên CAS chống lại án phạt, đồng thời phản bác lại rằng chúng là một phần của những “âm mưu” và “không có bằng chứng rõ ràng”.
Tuy nhiên, chính trị gia 57 tuổi từng giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Afghanistan đã không thể che giấu được những hành vi xấu xa của mình trước những chứng cứ cung cấp cho FIFA cho CAS. Vì vậy, Tòa án Trọng tài Thể thao quốc tế (CAS) hôm 14.7 quyết định giữ nguyên phán quyết của FIFA, nói rằng Karim đã "vi phạm các quyền cơ bản của con người và làm tổn hại đến phẩm giá tinh thần và thể chất và sự liêm chính của các cầu thủ nữ trẻ".
|
"Với những hành động kinh khủng của mình, ông ấy (Karim) đã phá hủy không chỉ sự nghiệp, mà còn hủy hoại nghiêm trọng cuộc sống của họ", CAS, tòa án cao nhất trong thể thao có trụ sở tại Lausanne (Thụy Sĩ), cho biết trong một tuyên bố. Theo AFP, ông Karim (người giữ chức Chủ tịch AFF giao đoạn 2013 - 2019) được cho là đã bỏ trốn kể từ khi chính quyền Afghanistan ban hành lệnh bắt giữ vào năm ngoái.
Khalida Popal, cựu đội trưởng tuyển nữ Afghanistan và người đã vận động chống lại Karim, nói rằng phán quyết đã gửi đi một thông điệp. "Đó là một tuyên bố mạnh mẽ rằng không có chỗ cho sự lạm dụng và vi phạm nhân quyền trong bóng đá", Popal nói với AFP. Popal đã thu thập các chứng cứ chống lại Karim từ các đồng đội cũ bao gồm bạo lực tình dục, dọa giết và hãm hiếp.
"Đáng lẽ Karim đã bị bắt từ lâu, nhưng chúng tôi vẫn vui vì thế giới không quên ông ta. Thế giới nên tạo thêm áp lực cho Chính phủ Afghanistan để bắt giữ ông ấy”, một nữ cầu thủ bóng đá của Afghanistan nói thêm nhưng xin được giấu tên.
Vụ bê bối liên quan đến Karim làm rung chuyển bóng đá Afghanistan, trong đó nhiều nữ cầu thủ buộc phải ngừng tập luyện và từ bỏ môn thể thao này dưới áp lực từ gia đình họ. Một số trận đấu được lên kế hoạch cho đội tuyển nữ nước này đã bị hủy bỏ khi các nhà tài trợ chấm dứt hợp đồng.
"Chúng tôi đang trở lại trên đôi chân của mình. Cần có thời gian để phục hồi nhưng tôi hạnh phúc ít nhất là công lý được thực thi", một nữ cầu thủ bóng đá khác (cũng giấu tên) cho biết. Cô cũng kêu gọi bắt giữ Karim.
|
Chính quyền Afghanistan vẫn đang tìm kiếm Karim khi ông này hiện không rõ ở đâu. Văn phòng Tổng chưởng lý Afghanistan cho biết họ đã thực hiện một "cuộc điều tra kỹ lưỡng" nhưng Karim không bao giờ đến theo lệnh triệu tập để thẩm vấn. Jamshid Rasuli, phát ngôn viên của văn phòng tổng chưởng lý nói: "Chúng tôi đã yêu cầu cảnh sát bắt giữ ông ta. Bất cứ khi nào bắt được, tòa án sẽ quyết định số phận của ông này"
AFF đã từ chối trả lời AFP liên quan đến vụ bê bối trên. Nhà chức trách đã sa thải một số quan chức AFF khác cùng với Karim khi tin tức về vụ bê bối tình dục nổ ra trên tờ Guardian của Anh vào tháng 11.2018. Năm ngoái, luật sư bào chữa của Karim, Ivo Sigmond, đã bác bỏ các cáo buộc chống lại thân chủ của mình và ví nó là "những câu chuyện ma".
Bình luận (0)