Nhiều cây xà cừ chết khô sau khi dịch chuyển về vườn ươm Yên Sở

10/06/2017 15:13 GMT+7

Với số chi phí đánh chuyển theo đơn giá là hơn 25 triệu đồng/cây, nhưng nhiều cây xà cừ tại Hà Nội, khi được đánh chuyển về vườn ươm Yên Sở đã chết khô.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại vườn ươm Yên Sở chiều 8.6, có khoảng gần trăm cây xà cừ cùng hàng trăm cây xanh khác được đánh gốc, di chuyển về đây. Số cây này từng được trồng trên đường Láng, Nguyễn Trãi, Trần Phú, đường Bưởi sau khi thi công một số dự án như đường sắt trên cao… đã phải di dời trong các năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, theo quan sát tại vườn có khoảng hơn 20 cây dù vẫn còn bọc rễ nhưng đã khô héo, bong tróc vỏ, không ra lá. Nhiều cây đường kính lớn 60 - 80  cm thậm chí đã chết khô, được cưa thành các đoạn ngắn nằm chất đống một góc.
PV Thanh Niên nêu thực trạng với ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nộị, và nêu câu hỏi có khó khăn gì trong việc đánh chuyển cây xà cừ, cũng như tỷ lệ sống sót của cây xà cừ là bao nhiêu? Tuy nhiên, ông Hưng chưa trả lời và cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin.
Theo đơn giá hiện nay, với cây xà cừ đường kính trên 50 cm, chi phí ngân sách chi trả khi chặt hạ 1 cây xà cừ (gồm kinh phí chặt hạ, vận chuyển) là 14,4 triệu đồng. Trong khi đó, kinh phí dịch chuyển (bao gồm cắt sửa cây, dịch chuyển, máy móc, vận chuyển cùi gỗ, đất lấp, công trồng cây tại vườn ươm, công nhân chăm sóc tại vườn ươm, cây chống, vật liệu phụ công tác dịch chuyển) là 25,3 triệu đồng/cây.
Với cây có đường kính trên 1,2 m, chi phí là 35 triệu đồng/cây. Tuy nhiên, theo đại diện một công ty từng thực hiện công tác đánh chuyển, di dời cây, chi phí thực tế cho việc đánh chuyển và duy trì cây sống có thể lên tới 40 - 50 triệu đồng. Để giữ cho cây sống, sau khi về vườn ươm, sẽ phải che chắn thân cây bằng rơm, vỏ bao tải có chứa chất mùn để giữ ẩm, tránh mất hơi nước… Không chỉ thân cây, bộ rễ cũng phải chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để phát triển trở lại.
Trao đổi với báo chí hôm 6.6, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, tỷ lệ sống sót của cây xanh khi đánh chuyển là 90%. Với 1.300 cây xanh, trong đó có 986 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng thuộc phạm vi mở rộng đường vành đai 3 và xây dựng đường vành đai 3 trên cao, Sở Xây dựng cho biết, phương án tối ưu là giữ nguyên, dịch chuyển, bất khả kháng mới chặt hạ. Cũng theo ông Dục, trong số 986 cây xà cừ, có 10% là cây cổ thụ đường kính lớn 80cm - 1,2m, còn lại là cây xà cừ được trồng sau năm 1985 có đường kính 40 - 60cm.
Tuy nhiên, việc tái sử dụng cây xà cừ trên các tuyến đường đô thị mới, các khu đô thị mới chưa được thực hiện. Dù tốn kinh phí lớn cho việc đánh gốc và dịch chuyển cả trăm cây xà cừ, nhưng tới nay theo Sở Xây dựng vẫn chưa xác định việc tái trồng cây như thế nào và khi nào.
Với 986 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng hiện nay, trong trường hợp tối ưu giữ lại để dịch chuyển một nửa, khoảng 200 - 400 cây xà cừ, chi phí ngân sách phải chi trả ít nhất 5 - 10 tỉ đồng. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nhìn dưới góc độ kinh tế, vấn đề đặt ra là bao nhiêu cây dịch chuyển trong đó sẽ sống, bao nhiêu cây được trồng phục hồi trở lại.
“Tối ưu là giữ lại cây xanh, nhất là những cây có tuổi thọ lớn, lâu năm. Nhưng nếu tỷ lệ cây sau đánh chuyển chết tới 10 - 20% thì số tiền ngân sách lãng phí cũng không hề nhỏ. Cần tính toán chặt chẽ giữa việc chặt hạ hoặc dịch chuyển, hoặc giao cho các đơn vị xã hội hóa thực hiện để đảm bảo hiệu quả cao hơn khi đánh chuyển”, ông Long nói.
Nhiều cây xà cừ đã khô cả gốc và không mọc nhánh tại vườn ươm Yên Sở - Ảnh Mai Hà

Những cây xà cừ ở đây không được bọc thân hay rễ để đảm bảo độ ẩm, vỏ cây khô bong tróc, gốc cây nứt nẻ Ảnh Mai Hà

Nhiều cây chết khô đã được chặt hạ thành chất thành đống ven đường Ảnh Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.