Nhiều chiến dịch hỗ trợ giáo viên mất việc do dịch Covid-19

25/09/2021 07:14 GMT+7

Trường học đóng cửa liên tục khiến hàng nghìn giáo viên ở TP.HCM, đặc biệt là mầm non tư thục, không chỉ rơi vào cảnh thất nghiệp, cũng không thể tìm kiếm công việc nào khác khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội .

“Hãy giơ tay… cứu lấy giáo viên mầm non”

Đó là thông điệp của nhiều chiến dịch hỗ trợ giáo viên, đặc biệt là nhóm giáo viên mầm non tư thục chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19 khi họ bị mất việc, mất nguồn thu nhập, mất người thân... Sự chia sẻ, dù không nhiều nhưng những chiến dịch này mong mỏi một phần hỗ trợ có thể giúp giáo viên vẫn giữ lại được niềm tin để không bỏ nghề, tiếp tục công việc khi trường được hoạt động trở lại.
Hàng trăm người đến từ nhiều tổ chức giáo dục khác nhau, cùng ngồi lại, gặp nhau qua phần mềm hội họp trực tuyến Zoom để cân đo, đong đếm xét từng hồ sơ, hoàn cảnh...
“Mỗi lần mở đợt đăng ký thật sự, mình chỉ dám mở đơn trong một thời gian ngắn vì số lượng hồ sơ gửi về quá nhiều, trong khi mức kinh phí có thể giải ngân được thì ít. Mỗi đợt mở chỉ 1 - 2 ngày nhưng dự án nhận hàng trăm hồ sơ mỗi ngày, mà trường hợp nào cũng rất muốn hỗ trợ nên cả nhóm phải đặt lên đặt xuống từng trường hợp”, cô Nguyễn Thúy Uyên Phương, đồng sáng lập dự án H.A.T (Help A Teacher) chia sẻ.
Dự án này do cô Uyên Phương và Đinh Văn Hồng Vũ (CEO Elsa Speak) khởi động từ cuối tháng 3 năm trước. Sau 2 năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ cho 1.400 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng chi phí hỗ trợ khoảng 6 tỉ đồng.
Về việc xét duyệt hồ sơ, cô Nguyễn Thúy Uyên Phương cho biết dù quy trình làm rất bài bản, chỉ cần xác nhận được họ đang khó khăn và đáng được ưu tiên hơn so với những hồ sơ khác thì chương trình sẽ giải ngân, không có bất kỳ nào liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội.
Tương tự, được mở ra chỉ 2 tháng nay nhưng Chiến dịch 1000+1 cũng nhận được hơn 3.000 hồ sơ đăng ký, trong đó chủ yếu là của giáo viên mầm non ở TP.HCM.
“Chúng tôi làm chỉ với hy vọng giúp được đến đâu hay đến đó. Mức hỗ trợ không nhiều nhưng trong lúc khó khăn, ngặt nghèo, với họ đó là niềm động viên, an ủi lớn”, cô Bùi Thị Thu Vân, chuyên gia giáo dục mầm non ở TP.HCM, chỉ huy Chiến dịch 1000+1, nói.

Hỗ trợ 24 tỉ đồng cho lao động ngành giáo dục mất việc

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động bị mất việc là 12.341 người. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là bậc mầm non với 10.129 nhân sự, chiếm 82,08% bị hủy hoặc hoãn hợp đồng lao động.
Đề cập đến chính sách hỗ trợ, ông Nam cho biết ở khối các cơ sở trực thuộc đã có 476 người được đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và 765 người được các công đoàn cơ sở chủ động chăm lo với kinh phí hơn 800 triệu đồng, 300 người thuộc diện F0, F1 được chăm lo với tổng kinh phí gần 750 triệu đồng.
Cũng theo thống kê của Sở, với hơn 12.000 giáo viên, các ngành, các cấp, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội... đã hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài với tổng kinh phí khoảng 24 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công đoàn giáo dục TP đã thực hiện chương trình hỗ trợ nhu yếu phẩm đến nhà giáo, người lao động thuộc Phòng giáo dục các quận 5, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và 46 trường thuộc TP.Thủ Đức. Trong đợt thứ 2 sắp tới, Công đoàn giáo dục TP sẽ tiếp tục chăm lo đối với nhà giáo, người lao động các quận, huyện tiếp theo.
Lãnh đạo Sở cho hay các cơ sở giáo dục công lập khó khăn trong việc chi trả lương cho giáo viên, người lao động ký hợp đồng lao động như bảo vệ, phục vụ, bảo mẫu, nhân viên nấu ăn... Còn các cơ sở giáo dục ngoài công lập đứng trước nguy cơ không có khả năng chi trả các khoản tiền thuê mặt bằng, điện, nước... Đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ ngày 1.5 đến nay.
Cũng theo ông Lê Hoài Nam, quá trình triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay, vẫn còn người lao động trong ngành đủ điều kiện nhưng chưa được nhận trợ cấp. Những khó khăn phần nào ảnh hưởng đến quá trình xét duyệt hồ sơ như: thành phần hồ sơ đề nghị trợ cấp yêu cầu nhiều loại giấy tờ như bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu, chứng minh người lao động đang mang thai... Tuy nhiên, việc xác nhận các giấy tờ nêu trên rất khó khăn do TP thực hiện giãn cách xã hội. 
Hiệu trưởng lấy tiền tiết kiệm cá nhân hỗ trợ nhân viên
Sau khi tạm hoãn hợp đồng của nhân viên vì trường không có ngân sách chi trả, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM (xin giấu tên) đã lấy tiền tiết kiệm của mình để hỗ trợ mỗi nhân viên 1,5 triệu đồng/tháng. Nữ hiệu trưởng này nói: “Công chức nhà nước thu nhập có giảm nhưng không bị mất việc. Còn nhân viên hợp đồng ngừng hợp đồng là không còn thu nhập, trong khi hằng ngày vẫn phải trả tiền nhà, vẫn phải ăn để sống, lo cho con cái. Tôi cũng chỉ cố gắng hỗ trợ trong sức lực của mình. Chỉ mong cuộc sống sớm trở lại bình thường, dù không thể như trước ngày không có dịch nhưng cũng bớt khốn khó hơn”.
Thêm vào đó, thực tế có quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện nên chưa đủ điều kiện để được nhận trợ cấp theo Nghị quyết số 09/2021 của HĐND TP nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Sở GD-ĐT đề xuất thủ tục hỗ trợ các chế độ, chính sách cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.