Năm 2015, Yên Khê là xã tiên phong về đích nông thôn mới của huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An). Để có được vinh dự này, ngoài nỗ lực đáp ứng tốt các tiêu chí khác, xã đã đầu tư hơn 1,1 tỉ đồng xây dựng khu chợ rộng 800 m2, gồm 4 dãy quầy đủ cho 150 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, khu chợ này bị “đắp chiếu”, không ai vào bán mua.
Theo người dân địa phương, khu chợ nằm khuất nẻo, không thuận tiện cho việc lưu thông nên bà con không dám đưa hàng hóa vào chợ mà vẫn bày bán ở lề đường như lâu nay. Ông Vi Văn Đậu, Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho rằng, do chưa thành lập được ban quản lý chợ và chính quyền xã chưa kiên quyết yêu cầu các hộ buôn bán nhỏ lẻ ngoài đường vào chợ nên khu chợ mới vẫn đìu hiu. Ông Đậu cũng thừa nhận, do xã nằm cách thị trấn không xa nên khu chợ này không phát huy hiệu quả.
Năm 2014, xã Hưng Tiến (H.Hưng Nguyên) đầu tư 12 tỉ đồng xây dựng chợ Cầu để về đích nông thôn mới. Chợ nằm ở vị trí khá thuận lợi, rộng rãi, các dãy ki ốt bám mặt đường liên xã, khu bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô riêng biệt. Sau khi xã tổ chức “cưới” chợ, khu chợ này dần đi vào hoạt động nhưng đến nay, ngoài một số quầy thực phẩm, rau củ quả còn bán hàng, nhiều tiểu thương đã bỏ chợ. “Ở đấy ít người, sức mua kém. Xã Hưng Thắng kề bên cũng có chợ hoạt động rất tấp nập nên chợ này khó thu hút người đến bán mua”, một người buôn bán tại chợ của xã Hưng Tiến, nói.
tin liên quan
Tiểu thương chê chợ nông thôn mớiNhiều chợ ở xã nông thôn tỉnh Đồng Nai được đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng nhưng hiện trong tình trạng bỏ hoang hoặc lèo tèo vài người mua kẻ bán.
Tại xã Hưng Phúc (H.Hưng Nguyên), để đáp ứng đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã này cũng lập quy hoạch và xây dựng chợ. Theo thiết kế, chợ Hưng Phúc được xây trên diện tích đất khoảng 2.000 m2, mức đầu tư lên tới 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi xây gần xong phần thô khu đình chợ và cơ bản hoàn thành 1 dãy 10 ki ốt thì dự án bị “đứt gánh” do huyện và tỉnh thẩm định lại. Nhận thấy, xã Hưng Phúc chỉ có hơn 4.000 dân trong khi đã có 2 chợ ở 2 xã Hưng Thịnh và Hưng Châu kề bên nên cấp có thẩm quyền quyết định đưa dự án chợ Hưng Phúc ra khỏi quy hoạch chợ nông thôn mới. Theo ông Đề, trước khi xây chợ, lãnh đạo xã cũng lăn tăn vì người dân không có nhu cầu. Tuy nhiên, xã vẫn phải đầu tư xây dựng vì trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới yêu cầu phải có chợ.
Sẽ điều chỉnh
Ông Nguyễn Văn Hằng, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An cho biết, trước đây, chợ là một tiêu chí bắt buộc khi quy hoạch nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tế không phải xã nào cũng phải có chợ vì người dân ở đó không có nhu cầu hoặc nhu cầu quá ít, khi xây xong, chợ không phát huy hiệu quả.
Theo ông Hằng, năm 2016, Bộ Công thương đã ban hành quyết định số 4800 về việc hướng dẫn thực hiện và xét tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đến năm 2020. Quyết định này đã gỡ bí cho các địa phương phấn đấu xây dựng nông thôn mới khi quy định, xã không có nhu cầu xây chợ thì không xem xét tiêu chí này. “Chúng tôi đang tham mưu để UBND tỉnh ban hành quy định về tiêu chí chợ nông thôn mới theo quyết định của Bộ Công thương cho phù hợp với thực tế, vừa giảm khó khăn cho địa phương vừa tránh lãng phí”, ông Hằng nói.
Bình luận (0)