Nhiều chuyện khó hiểu trong chọn sách giáo khoa lớp 1

23/05/2020 07:59 GMT+7

Theo Bộ GD-ĐT kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 ở 63 tỉnh thành cho thấy địa phương nào cũng chọn từ 3 bộ trở lên, trong khi đó đơn vị cung cấp lại khẳng định có tỉnh 100% chọn sách giáo khoa của họ.

 

Mỗi địa phương chọn từ 3 bộ trở lên?

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết tính đến thời điểm này, đã có 60 sở GD-ĐT gửi công văn về Bộ GD-ĐT, báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; 3 sở GD-ĐT còn lại cũng cho biết các trường đã lựa chọn xong, Sở đã gửi báo cáo bằng đường công văn về Bộ. “Như vậy, có thể khẳng định 100% các sở đã hoàn thành công việc lựa chọn SGK và gửi tổng hợp về Bộ GD-ĐT theo đúng thời gian quy định”, ông Tài nói.
Theo ông Tài, phân tích kết quả lựa chọn mà báo cáo gửi về cho thấy tất cả đầu sách đều được lựa chọn. Mỗi địa phương chọn từ 3 bộ trở lên; rất nhiều địa phương chọn các đầu sách của cả 5 bộ.

Chưa thực hiện công khai kết quả chọn SGK

Theo yêu cầu và quy định của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phải công khai kết quả chọn sách ít nhất 4 tháng trước năm học mới để người dân biết và chuẩn bị. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi ngày khai giảng năm học mới chỉ còn hơn 3 tháng nữa, nhưng ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy phần lớn các trường vẫn chưa công khai bộ SGK được lựa chọn. Ngay tại Hà Nội, chỉ có số ít các trường ngoài công lập thực hiện đúng quy định này. Còn lại hầu hết các cơ sở giáo dục dù đều có trang web, nhưng vẫn chưa thông báo cho phụ huynh và xã hội biết họ chọn những sách nào cho học sinh lớp 1 trong năm học tới.
Việc công khai đến nay chỉ có cách thông báo tại trường và trên trang web của trường, của phòng GD-ĐT hoặc sở GD-ĐT. Thế nhưng, thậm chí khi PV Thanh Niên hỏi “xin” thông tin kết quả chọn sách từ các phòng GD-ĐT và sở GD-ĐT để cung cấp cho người dân, cũng đều bị từ chối, hoặc “trì hoãn” rất khó hiểu!
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, cho hay ngay sau khi hội đồng chọn SGK làm việc xong, có kết quả cuối cùng thì việc đầu tiên là nhà trường đưa văn bản chính thức về kết quả chọn lên trang web của trường để người dân, phụ huynh lớp 1 dự kiến sẽ gửi con vào trường trong năm học tới biết; tiếp đến mới là gửi văn bản báo cáo phòng GD-ĐT.
Nhiều ý kiến cho rằng nhà trường chọn SGK nhưng phụ huynh học sinh mới chính là người phải trả tiền để mua bộ sách ấy cho con học. Không có lý do gì họ không được biết trường mà họ sắp gửi con vào sẽ học những SGK nào.

Không cấp nào được yêu cầu các trường chọn SGK giống nhau

Như Thanh Niên đã phản ánh, đơn vị xuất bản bộ SGK lớp 1 mang tên Cánh Diều đã chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về kết quả chọn SGK, trong đó khẳng định 100% trường học ở Long An đã chọn đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục của bộ Cánh Diều.
Ngày 19.5, trả lời trên Báo Thanh Niên, bà Lê Thị Song An, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Long An, cho biết hơn 70% trong tổng số 218 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh chọn bộ sách Cánh Diều. Trên cơ sở này, Sở đã trình UBND tỉnh Long An phê duyệt, báo cáo về Bộ GD-ĐT để áp dụng cho 100% học sinh lớp 1 (29.000 em) trong năm học 2020 - 2021. Theo bà Song An, sắp tới Sở sẽ có thông báo đến các trường để thông tin đến phụ huynh học sinh, nhằm tạo sự chủ động đối với phụ huynh, học sinh.
Ngày 22.5, Bộ GD-ĐT khẳng định theo văn bản báo cáo mà Bộ nhận được từ các sở GD-ĐT, không có địa phương nào chỉ chọn SGK từ duy nhất bộ SGK nào đó và Long An cũng không là ngoại lệ.
Chiều cùng ngày, đại diện đơn vị biên soạn và xuất bản bộ SGK Cánh Diều vẫn khẳng định họ nhận được văn bản có dấu đỏ của Sở GD-ĐT Long An nên mới thông tin 100% trường học của Long An chọn SGK cả 9 môn/hoạt động giáo dục của bộ SGK này.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, đơn vị soạn thảo thông tư hướng dẫn chọn SGK trong các cơ sở giáo dục, cho biết theo Thông tư 01 mà Bộ GD-ĐT ban hành thì việc chọn SGK thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, quyền chọn sách lớp 1 thực hiện cho năm học tới là của các đơn vị trường học. Nhà trường thành lập hội đồng chọn SGK, thực hiện các bước lựa chọn theo đúng quy định của Bộ; sở GD-ĐT chỉ có trách nhiệm ở khâu tổng hợp kết quả chọn sách của tất cả trường học trên địa bàn tỉnh, thành phố để cung cấp thông tin cho các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn; đồng thời báo cáo Bộ GD-ĐT.
Do vậy, ông Thành khẳng định Bộ hay UBND tỉnh và sở GD-ĐT đều không có quyền chỉ đạo điều chỉnh kết quả chọn SGK của cấp trường, nếu việc lựa chọn ấy không có vi phạm gì. Nếu địa phương nào giải thích rằng có 70% trường chọn 1 bộ SGK nào đó mà UBND cấp tỉnh lại phê duyệt cho 100% trường lựa chọn là hoàn toàn sai, vi phạm quyền lựa chọn SGK của cấp trường đã được Nghị quyết 88 của Quốc hội và Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT quy định.
Cũng theo ông Thành, kể cả khi thực hiện theo luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ tháng 7.2020), giao việc chọn SGK cho UBND tỉnh thì thông tư mà Bộ GD-ĐT đang dự thảo cũng nêu rõ phải bắt đầu lấy ý kiến từ giáo viên, đến tổ bộ môn, đến nhà trường, những ý kiến này được gửi lên phòng giáo dục, sau khi tập hợp ý kiến của các trường, phòng sẽ gửi lên hội đồng chọn SGK của tỉnh.
Do vậy, ông Thành khẳng định từ năm học 2021 - 2022, cấp tỉnh chọn SGK nhưng không có nghĩa là cả một tỉnh đều chọn đồng loạt cùng 1 đầu sách, hoặc bộ SGK nào đó. Ngay cả trong dự thảo đang lấy ý kiến góp ý và thông tư đã ban hành để áp dụng cho việc chọn SGK lớp 1 năm học tới, khi nói về tiêu chí lựa chọn SGK đều khẳng định: “Phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, và của từng khu vực của địa phương đó. Ngay như trong cùng 1 tỉnh thì quyển SGK này phù hợp với vùng này, nhưng có thể với vùng khác mà tiêu chí của tỉnh đặt ra chưa chắc đã phù hợp. Chính vì vậy mới có câu là phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, và của từng khu vực của địa phương đó”, ông Thành cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.