MỐI QUAN HỆ 50 NĂM TỐT ĐẸP
Đây là chuyến thăm đầu tiên đến New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ và cũng là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ nước ngoài tới New Zealand trong nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Christopher Luxon.
Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao, chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới New Zealand là cơ hội tốt để lãnh đạo hai nước trao đổi về sự kết nối trong mọi lĩnh vực, nhằm xây dựng mối quan hệ bền chặt.
Năm 2021, hai nước đã ký Chương trình hành động Việt Nam - New Zealand giai đoạn 2021 - 2024 nhằm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược. Chuyến thăm lần này sẽ là cơ hội để hai nước cùng đánh giá việc thực hiện chương trình, đồng thời tập trung thảo luận những lĩnh vực hợp tác trọng tâm trong tương lai.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đánh giá, quan hệ Việt Nam - New Zealand là mối quan hệ song phương có bề dày lịch sử.
"Năm 2025, chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với New Zealand. Trong thời gian qua, New Zealand là một đối tác đã hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ giáo dục - đào tạo, đến các lĩnh vực về bình đẳng giới, phát triển", ông Việt nói.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và New Zealand đã có rất nhiều hợp tác hiệu quả. Bên cạnh đó, tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố. Chúng ta đã đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của New Zealand sang thăm Việt Nam và hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác.
Thành tựu nổi bật trong quan hệ hai nước trong gần 50 năm quan hệ ngoại giao là việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược vào năm 2020.
Bên cạnh đó, mối quan hệ thương mại song phương đang phát triển tốt đẹp. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của New Zealand và hai nước đang nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu thương mại hai chiều 2 tỉ USD vào cuối năm nay.
Hợp tác nông nghiệp là một lĩnh vực đặc biệt được chú trọng, là điểm nhấn và là trụ cột chính trong chương trình hợp tác phát triển của New Zealand với Việt Nam. Phía New Zealand đang tập trung vào việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp bền vững và sinh kế.
Liên quan tới thành tựu trong hợp tác giáo dục, hai nước có nhiều chương trình nghiên cứu, đào tạo chung và sẽ tăng cường thúc đẩy giáo dục thông qua thỏa thuận hợp tác giáo dục mới sắp được ký kết tại Wellington.
Về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, những năm gần đây, hai nước đã có một bước tiến lớn trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, chống tội phạm xuyên quốc gia, đào tạo và phát triển năng lực, trao đổi thông tin ở các cấp - những khía cạnh nằm trong chương trình trao đổi quốc phòng - an ninh giữa hai nước. Chuyến thăm của hai tàu Hải quân Hoàng gia New Zealand tới Việt Nam năm ngoái là một điểm nhấn trong lĩnh vực này.
New Zealand nồng ấm đón Thủ tướng Phạm Minh Chính
TRIỂN VỌNG HỢP TÁC HAI NƯỚC
Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung đánh giá: Năm 2024 là năm cuối cùng hai nước triển khai Chương trình hành động 2021 - 2024. Đây cũng là dịp để hai bên xác định trọng tâm hợp tác trong thời gian tới, kể từ mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
"Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn là dịp để bạn bè, người dân New Zealand hiểu biết thêm về thành tựu đổi mới của Việt Nam - quốc gia có tốc độ phát triển nhanh và bền vững, tích cực hội nhập quốc tế, coi trọng hợp tác với khu vực nam Thái Bình Dương, góp phần vào việc củng cố xu thế hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới", Đại sứ Nguyễn Văn Trung nói.
Theo Đại sứ Trung, bên cạnh việc tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, an ninh, quốc phòng, du lịch và giao lưu nhân dân, hai nước cần khai thác triệt để dư địa hợp tác trên các lĩnh vực mới, tìm kiếm động lực phát triển mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước.
New Zealand có thế mạnh trên các lĩnh vực như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi số. Là quốc gia hải đảo, New Zealand cũng có truyền thống và năng lực khoa học công nghệ trong các lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường biển.
Ngoài ra, với dân số ít, New Zealand hiện đang thiếu nhiều lao động, kể cả lao động phổ thông và có tay nghề. Đây là dư địa cần khai thác trong triển vọng hợp tác hai nước trong thời gian tới.
Hiện các cơ chế hợp tác nông nghiệp, thương mại hàng hóa, hợp tác phát triển vận hành hiệu quả, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước. Một số loại hoa quả nhiệt đới của Việt Nam như chanh và bưởi lần đầu tiên đã có mặt tại thị trường New Zealand từ năm 2023.
New Zealand hiện đứng thứ 39/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 208,35 triệu USD tại 52 dự án, trong đó lớn nhất là lĩnh vực bất động sản, giáo dục - đào tạo, công nghiệp chế biến và sản phẩm gỗ.
Theo Đại sứ Nguyễn Văn Trung, New Zealand tiếp tục ưu tiên hợp tác phát triển với Việt Nam, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó lĩnh vực có thế mạnh là nông nghiệp, cây trồng, giáo dục - đào tạo, quản lý và ứng phó biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, phát triển bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, New Zealand tiếp tục hỗ trợ rất có giá trị trong các dự án chuyển giao kỹ thuật, công nghệ về giống cây trồng, bảo vệ thực vật, vệ sinh dịch tễ, trong đó có dự án Vietfruit về các loại quả như bơ, thanh long và quả chanh leo xuất khẩu. New Zealand cũng đã hỗ trợ Việt Nam về quản lý và an toàn đập nước, công trình thủy lợi và 2 triệu NZD giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Giáo dục - đào tạo tiếp tục là lĩnh vực hợp tác truyền thống và có được thành quả rõ rệt, kể từ khi hai nước tổ chức Diễn đàn giáo dục Việt Nam - New Zealand lần đầu tiên vào cuối năm 2022. Hiện có trên 2.000 học sinh, sinh viên và lưu học sinh Việt Nam theo học tại New Zealand.
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường New Zealand, việc Việt Nam và New Zealand cùng tham gia các FTA đa phương khiến rào cản thuế quan, phi thuế quan ngày càng thấp hoặc bị loại bỏ. Đây là lợi thế lớn giúp hàng hóa Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh với hàng hóa từ các nước không có FTA với New Zealand. Chính sách của New Zealand về việc tìm kiếm các nước đối tác cung ứng và thị trường khác ngoài EU và Trung Quốc cũng góp phần mở ra cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu.
New Zealand được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khi phần lớn các mặt hàng New Zealand cần nhập khẩu là những mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung ứng.
Cụ thể, do không có thế mạnh về các ngành nghề chế tạo nên New Zealand phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng bao gồm: máy móc, thiết bị cơ khí; xe cộ; xăng dầu; máy móc, thiết bị điện tử; hàng dệt may; nhựa và sản phẩm nhựa; các thiết bị y tế; sắt thép; dược phẩm; giấy bìa; thức ăn gia súc đã chế biến; phân bón; các chế phẩm ăn liền.
Hiện Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand nhóm hàng: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, hạt điều, giày dép...; và nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, gỗ, nguyên liệu phụ liệu dệt, may, da giày, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại...
Về phương diện nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chính của New Zealand bao gồm: sản phẩm từ sữa; thịt bò, cừu; len; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; các loại trái cây và hạt (trong đó có những loại trái cây như kiwi, cherry, táo…); hải sản (cá ngừ, vẹm xanh…)… là những mặt hàng được nhiều người Việt Nam ưa chuộng.
Bình luận (0)