Chỉ số VN-Index vẫn đi lên khi nhiều cổ phiếu tăng giá khi mở cửa phiên giao dịch. Nhưng ngay sau đó lực bán đã gia tăng mạnh ở nhiều cổ phiếu và bảng giá điện tử nhanh chóng phủ màu đỏ. Chốt phiên ngày 26.4, chỉ số VN-Index giảm 32,76 điểm, tương ứng giảm 2,62% xuống còn 1.215,77 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 2,95 điểm, tương ứng 1,04% xuống 280,68 điểm.
Lực bán diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các nhóm cổ phiếu. Đặc biệt từ đầu phiên chiều, lượng cổ phiếu blue-chips trên sàn TP.HCM bị bán mạnh và đẩy giá giảm sâu xuống gần sát mức sàn như GAS mất 5,2% xuống 81.500 đồng/cổ phiếu, VCB giảm 5,2% xuống còn 98.600 đồng/cổ phiếu, VHM giảm 5,1% xuống 99.600 đồng/cổ phiếu, MSN mất 5% còn 95.000 đồng/cồ phiếu, VIC mất 4,9% xuống 131.500 đồng/cổ phiếu. Nhiều mã có đà giảm hơn 3% như SSI, CTG, TCH, BID, VHM,… Trong rổ VN30 trên sàn TP.HCM, có 25 mã giảm và 5 mã tăng giá. Riêng NVL của Novaland vươn lên vị trí dẫn đầu với khi tăng kịch trần, PDR, VPB, SBT và STB là những mã tăng còn lại trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn này.
Cuối phiên giao dịch, nhóm cổ phiếu ngành khai khoáng sụt mạnh nhất của thị trường với đà giảm 4,32%; tiếp đến các cổ phiếu tài chính khác, sản phẩm cao su, chứng khoán cùng sụt hơn 3%...
Tâm lý các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn sau khi VN-Index giảm mạnh trong phiên ngày 22.4. Vì vậy những lúc thị trường có nhịp hồi phục thì lực bán càng tiếp tục dâng cao. Điều này thể hiện qua khối lượng giao dịch thành công sụt giảm dưới mức trung bình 20 ngày khi chỉ có hơn 740 triệu đơn vị với giá trị hơn 19.000 tỉ đồng. Theo phân tích kỹ thuật, vùng 1.180-1.210 điểm vẫn đang là hỗ trợ quan trọng của VN-Index nếu trạng thái điều chỉnh tiếp tục xuất hiện. Nếu vùng này vẫn được giữ vững thì tình hình sẽ khả quan trở lại và VN-Index có thể tiến lên để kiểm tra lại vùng 1.250-1.260 điểm.
Bình luận (0)