Nhiều cơ sở mầm non tư thục lay lắt chờ mở cửa

22/10/2021 06:19 GMT+7

Đại dịch Covid-19 , trường mầm non tư thục ở TP.HCM đã đóng cửa liên tục trong 2 năm nay. Không ít người phải giải thể trường, chủ nhiều cơ sở còn lại cũng lay lắt tìm mọi cách lèo lái để chờ tới ngày được hoạt động trở lại.

Các cơ sở mầm non tư thục ở TP.HCM đóng cửa nhiều tháng nay vì dịch Covid-19

NGUYỄN LOAN

“Cô ơi, con vi rút Corona ăn mất trường rồi hả cô ?”

Dồn bao tâm huyết, thời gian, tiền bạc, nhiều người mới gầy dựng được một cơ sở mầm non nhưng khi dịch Covid-19 ập đến, cơ sở phải đóng cửa liên tục trong nhiều tháng liền, không có bất kỳ khoản thu nào trong khi vẫn phải gồng gánh lo tiền mặt bằng, tiền lãi ngân hàng… Khi nguồn tài chính kiệt quệ, nhiều chủ trường mầm non tư thục đã buộc phải giải thể.

Trên 80% giáo viên mất việc là ở bậc mầm non

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính tới thời điểm hiện tại đã có khoảng 12.341 nhân viên ngành giáo dục bị mất việc, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là bậc mầm non với 10.129 nhân sự, chiếm 82,08%. Năm học này, TP.HCM có 920 trường mầm non ngoài công lập với 16.260 giáo viên cùng 183.458 trẻ. Trong đó, có khoảng 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục giải thể dưới tác động của dịch Covid-19.

“Trước khi đưa ra quyết định giải thể trường, mình có liên lạc với phụ huynh và các bé để chia sẻ tình hình và hoàn tất các thủ tục cần thiết. Nghe cô bảo đóng cửa trường học, một em nhỏ vô tư hỏi: “Cô ơi cô, con vi rút Corona ăn mất trường rồi hả cô?”. Nghe câu nói đó, mình không kiềm chế được mà bật khóc. Trường là đứa con tinh thần, mình đã bỏ rất nhiều thời gian, tiền bạc và tâm huyết nên khi phải buông tay, bỏ trường thì đau như đứt ruột”, cô Nguyễn Thị Hoàng Hợp (29 tuổi), chủ cơ sở mầm non Cu Cú Nhỏ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nghẹn giọng nói.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục, đặc biệt với các trường mầm non tư thục

nguyễn loan

Sau gần chục năm là giáo viên mầm non, tích lũy và vay mượn được một ít vốn, cô xây dựng được ngôi trường riêng của mình vào tháng 10.2019. Nhưng cô không ngờ được rằng chỉ sau vài tháng hoạt động thì dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, và từ năm 2020 tới nay, trường liên tục phải đóng cửa vì dịch.

“Thời điểm đó dịch mới bùng phát nên mọi người vẫn luôn nghĩ rằng đợt dịch sẽ qua nhanh, rồi mọi thứ sẽ hoạt động lại bình thường và bản thân mình cũng nghĩ có lỗ nhưng khi được hoạt động lại sẽ ổn. Tuy nhiên, sau đó dịch bệnh cứ kéo dài, trường hoạt động được ít tháng lại đóng cửa. Đỉnh điểm là năm nay, sau kỳ nghỉ tết, trẻ nghỉ luôn đến tháng 3, mới hoạt động được 2 tháng lại phải đóng cửa từ đầu tháng 5 tới nay. Trường mới đi vào hoạt động, bao nhiêu chi phí đã dồn hết vào đầu tư cơ sở vật chất, chi phí mặt bằng, lương giáo viên… lại không có nguồn thu, giáo viên cũng về quê hết nên mình không thể gồng gánh thêm được nữa”, cô Hợp chia sẻ về quyết định khó khăn của mình.

Quyết định là vậy, nhưng cô Hợp mất cả tháng trời để tháng đắn đo, suy nghĩ. Nhiều đêm thức trắng, cô vẫn hy vọng có cách nào đó để giữ trường, không ngừng theo dõi tình hình dịch bệnh và nhen nhóm hy vọng. Nhưng đến cuối tháng 6, khi tình hình dịch ngày một căng thẳng trong khi những chỗ người quen có thể vay mượn cũng đã vay hết rồi, cuối cùng cô quyết định buông tay.

Trước quyết định giải thể, cô Hợp thông báo đến toàn phụ huynh và ngồi viết thư chia tay gửi các bạn nhỏ của trường, cẩn thận dặn dò phụ huynh cách chăm sóc trẻ mùa dịch và giới thiệu một vài trường học để họ có thể gửi con sau này. Cô cũng đồng thời vay mượn thêm một khoản để trả lại hết khoản học phí còn thừa.

“Nhiều đêm mình không thể nào ngủ được, bị tress rất nặng, nhưng thời điểm đó mình không còn sự lựa chọn nào khác nữa”, cô Hợp tâm sự.

Ôm nợ và hy vọng…

Nói về thời gian qua, cô Nguyễn Thị Dung, chủ nhóm lớp Thần Đồng Việt (Q.12), cho biết chưa có giai đoạn nào khó khăn đến vậy.

“Chẳng có cách nào lèo lái cả, giống như trường của mình bây giờ là mình buông xuôi vì thời điểm này sang nhượng hay giải thể cũng không được. Nhiều bạn bè bỏ ra chi phí quá lớn để làm trường nên cứ phải duy trì bằng mọi cách với hy vọng chờ được đến ngày mở cửa. Còn mình thì chủ nhà cho nợ tiền mặt bằng nên cứ ôm nợ theo con số tăng từng tháng và hy vọng giữ được trường tới ngày mở cửa”, cô Dung thật thà chia sẻ.

Hệ thống mầm non công lập điêu đứng vì dịch

nguyễn loan

Nhiều tháng nay, cô cho biết phải vay mượn nhiều nơi để trang trải tất cả các khoản chi phí, kể cả chi phí sinh hoạt gia đình.

“Là mẹ đơn thân, mình nuôi 3 con nhỏ với rất nhiều khoản từ tiền học, tiền ăn uống, sinh hoạt, cộng thêm tiền nuôi một cái trường với mặt bằng, tiền lãi ngân hàng… nên thật sự là khó khăn chồng chất. Khó khăn này không sao nói hết được và mình phải bươn chải bằng mọi cách. Dù vậy, mình thấy vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn bè phá sản khi đầu tư cả chục tỉ đồng làm trường. Bây giờ trường lớn, trường nhỏ gì cũng chết, mà càng đầu tư nhiều thì càng khốn khó. Có những trường lúc bình thường sang nhượng giá 7 - 8 tỉ đồng, giờ 2 - 3 tỉ cũng không ai mua. Mà bán không được thì cố ôm, càng ôm thì tiền nợ càng nhiều… Nhưng giải thể, đóng cửa thì mất trắng, thành thử rơi vào cảnh tiến thoái, lưỡng nan”, cô Dung nói thêm.

Trường đóng cửa, từ chủ trường, cô Dung không ngại việc gì, chuyển qua bán trái cây, rau củ… để có thêm chi phí. Từng có 2 cơ sở mầm non nhưng cô Dung cho biết năm trước khi gặp khó khăn đã sang nhượng một cơ sở, còn cái cuối cùng cô vẫn hy vọng giữ được trường chờ đến ngày mở cửa.

Tương tự, được biết là một trong những trường mầm non tư thục lớn ở Q.Bình Tân nhưng cô Nguyễn Thị Lành, chủ trường và là Hiệu trưởng Trường mầm non 1.6, cũng cho biết “điêu đứng vì dịch”.

Nếm trải đủ mọi cung bậc của một người làm trường nhưng cô Lành cho biết chưa có giai đoạn nào khó khăn như hiện nay. Sau 13 năm, cô gầy dựng được 2 cơ sở mầm non lớn. Nhưng khi dịch liên tục bùng phát, cô quyết định sang nhượng giá rẻ một cơ sở hồi đầu tháng 2 khi không thể thương lượng giảm giá tiền mặt bằng được với chủ nhà và bản thân không còn gánh nổi các chi phí.

Còn cơ sở hiện tại, trước dịch, trường có khoảng 300 trẻ nhưng do phải vay mượn ngân hàng một khoản lớn để làm trường, giờ đóng cửa liên tục nên cô cũng lao đao. Với chi phí tiền lãi ngân hàng và tiền trợ cấp lương cho nhân sự cùng các chi phí khác mỗi tháng khoảng 150 triệu đồng… phải chạy vạy, vay mượn từng tháng.

Cách đây 2 tháng, cô Lành cũng quyết định rao bán nốt cơ sở này nhưng giữa lúc khó khăn cũng không ai mua nên cô lại tiếp tục gồng gánh mà không biết đến khi nào chuỗi ngày khó khăn này mới kết thúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.