Nhiều công trình du lịch ở Đồ Sơn xuống cấp
Đồ Sơn đã từ lâu được biết đến là 1 trong 2 khu du lịch nổi tiếng của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung, không chỉ vì cảnh sắc hữu tình mà còn có nhiều di tích lịch sử và các công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng từ thời Pháp thuộc như: Lâu đài Vạn Hoa, Dinh thự Vua Bảo Đại...
Ngoài các công trình nghỉ dưỡng của các bộ, ngành Trung ương án ngữ tại các vị trí "đất vàng", có không ít các công trình đồ sộ thuộc diện quản lý của Thành ủy Hải Phòng được giao cho Công ty TNHH MTV Vạn Hoa (gọi tắt Công ty Vạn Hoa) trực tiếp khai thác làm du lịch. Thế nhưng, sau nhiều năm kinh doanh, đến nay hầu hết đều trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, thậm chí bỏ hoang.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND Q.Đồ Sơn, các công trình do Công ty Vạn Hoa khai thác đều tập trung tại Khu 3, P.Vạn Hương. Trong đó, nhiều công trình hiện không được sử dụng, đổ nát, cụ thể: Tòa lâu đài Vạn Hoa được xây dựng bằng đá cách đây cả trăm năm, với 4 mặt nhìn ra biển đẹp tựa như pháo đài thời trung cổ; nhà gỗ Vạn Vân mang phong cách kiến trúc Á Đông…
Công ty gặp khó khăn do làm ăn kém hiệu quả
Ngày 30.9, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Hưng Hùng, Chánh văn phòng Thành ủy Hải Phòng, cho biết Công ty Vạn Hoa là một trong số những công ty trực thuộc Thành ủy, được giao quản lý và khai thác các công trình xây dựng tại Khu du lịch Đồ Sơn vào mục đích phát triển du lịch. Tuy nhiên, Công ty Vạn Hoa đang gặp khó khăn do nhiều năm làm ăn kém hiệu quả nên không có kinh phí để sửa chữa, dẫn đến các công trình bị hư hỏng nặng.
Còn tòa lâu đài Vạn Hoa, theo ông Hùng, công trình này được Công ty Vạn Hoa liên doanh liên kết với một doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) để mở sòng bạc từ vài chục năm về trước. Hiện, thành phố đang xem xét để đưa công trình này vào hoạt động, tránh lãng phí; đồng thời sáp nhập một số công ty trực thuộc Thành ủy trong đó có Công ty Vạn Hoa.
Được biết, sau khi Hải Phòng giải phóng, Thành ủy Hải Phòng đã quốc hữu hóa tòa lâu đài Vạn Hoa, vốn thuộc sở hữu của một phụ nữ Hải Phòng lấy chồng Pháp. Sau đó tòa lâu đài được giao cho Công ty TNHH MTV Vạn Hoa quản lý, khai thác phục vụ du lịch.
Năm 1992, tòa lâu đài Vạn Hoa thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Liên doanh Du lịch Quốc tế Hải Phòng, là liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Vạn Hoa và United International Business Ltd - Hồng Kông, với thời hạn 30 năm, thực hiện chức năng du lịch, tích hợp các trò chơi giải trí. Đây cũng là chủ đầu tư của Casino Đồ Sơn.
Đến năm 1995, tòa lâu đài Vạn Hoa biến thành sòng bạc hợp pháp mang tên Đồ Sơn Casio. 12 năm sau, Công ty TNHH Liên doanh Du lịch Quốc tế Hải Phòng khánh thành, đưa tổ hợp nghỉ dưỡng và đánh bạc mang tên Đồ Sơn Resort & Casino dưới thung lũng xanh tại chân núi khu 3 (P.Vạn Hương) vào hoạt động. Kể từ thời điểm đó, chủ đầu tư đóng cửa sòng bạc tại lâu đài Vạn Hoa.
Dưới đây là một số hình ảnh cận cảnh các công trình dịch vụ du lịch tại Khu 3, P.Vạn Hương (Q.Đồ Sơn) được Thành ủy Hải Phòng giao cho Công ty Vạn Hoa quản lý, vận hành hiện xuống cấp, bỏ hoang:
Bình luận (0)