Nhiều công trình thủy lợi ở Quảng Bình bị xâm phạm

13/07/2024 07:21 GMT+7

Chưa đầy 2 năm, ngành chức năng tỉnh Quảng Bình đã phát hiện 546 vụ vi phạm hành lang của 52 công trình thủy lợi, trong đó lập biên bản 496 vụ. Mùa mưa bão đang đến gần, nhiều ý kiến cho rằng cần biện pháp hữu hiệu hơn để đảm bảo an toàn cho các hồ đập…

Thời gian qua, trên địa bàn Quảng Bình vấn đề vi phạm hành lang an toàn hồ đập xảy ra khá phổ biến. Đáng nói là nhiều vi phạm xảy ra thường xuyên nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm, dễ dẫn đến nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.

Nhiều công trình thủy lợi ở Quảng Bình bị xâm phạm- Ảnh 1.

Thân đập Tiền Phong bị rừng tràm xâm phạm

Nhiều công trình thủy lợi ở Quảng Bình bị xâm phạm- Ảnh 2.

Phía sau hồ đập là các hộ dân đang sinh sống

ẢNH: THANH LỘC

Như ở đập Tiền Phong (xã Tân Thủy, H.Lệ Thủy), có dung tích khoảng 1,8 triệu m3 nước. Trên thân đập hiện nay cây lâu năm mọc um tùm. Đây là một trong những nguy cơ gây vỡ đập. Đập này được xây dựng từ năm 1983, hiện đang xuống cấp. Tỉnh Quảng Bình cũng đã cho sửa chữa tạm thời phần thân đập, nhưng không rõ vì sao người dân lại trồng được cây trên cả thân đập. Ông Dương Văn Cường (Tổ trưởng tổ hợp tác Hợp tác xã Tiền Phong) cho biết hàng trăm cây tràm mọc ở thân đập là của các hộ dân đang trồng rừng cạnh đó. Một số là do người dân vi phạm, nhưng số khác do cây… tự mọc (?!), lâu ngày không ai để ý thì lớn dần. "Số cây này càng lớn thì rễ ăn vào càng sâu, lâu ngày sẽ làm hư thân đập, gây nguy cơ vỡ đập", ông Cường lo lắng.

Nhiều công trình thủy lợi ở Quảng Bình bị xâm phạm- Ảnh 3.

Các hành vi vi phạm, đặc biệt là việc trồng cây, có nguy cơ làm hư thân đập

Đập Tiền Phong không phải là đập duy nhất trên địa bàn Quảng Bình bị xâm phạm, bởi cả tỉnh này có đến 153 hồ chứa, 193 đập dâng. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 546 vụ vi phạm hành lang thuộc 52 công trình thủy lợi. Trong đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản 496 vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này còn khá nhiều đập thủy lợi đang bị vi phạm hành lang. Ngoài việc cây cối xâm phạm thân đập, nhiều hồ thủy lợi bị biến thành nơi đổ rác, tập kết xà bần.

Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, cho biết nhiều vi phạm, nhất là việc trồng cây, có từ trước khi luật Thủy lợi ra đời, nên công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn. "Chi cục đã tham mưu cho sở và tỉnh, ra rất nhiều văn bản chỉ đạo về chấn chỉnh, xử lý vi phạm các công trình thủy lợi. Ngoài ra, chi cục cũng thường xuyên kiểm tra kịp thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình nhưng vẫn có nhiều cá nhân cố ý vi phạm", ông Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, mùa mưa bão đang đến, dù bất kỳ lý do gì thì các công trình thủy lợi cũng cần được bảo vệ tối đa. Đã đến lúc tỉnh Quảng Bình cần có các biện pháp cứng rắn hơn, đặc biệt là chính quyền cơ sở, nếu không nguy cơ vỡ đập rất lớn từ những vi phạm này. Phía sau các con đập là rất nhiều người dân đang sinh sống, lao động, sản xuất… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.