Nhiều cung bậc cảm xúc trên chuyến xe về quê đón tết

20/01/2023 09:40 GMT+7

Với những người trẻ mưu sinh xa quê, khi thời gian đã trôi ngược về những ngày cuối tháng chạp cũng là lúc họ rời thành thị náo nhiệt trở về quê hương yên bình để đón tết sum họp cùng với gia đình.

Những ngày cận tết, những lời từ trong bài hát Đi để trở về 2: Ngồi nhiều giờ trên xe, tôi ngắm nhìn mọi người xung quanh/Đều bồi hồi rất muốn nhanh về đến nhà” vang lên khắp nơi khiến nhiều người trẻ mưu sinh nôn nao trở về nhà với mẹ, với cha.

Những đứa con xa nhà luôn chờ đợi giây phút về nhà đón tết

PHÚC KHA

Nguyễn Thị Tuyết Ngân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Hiện nay, mình có thể nhìn thấy người thân qua mạng xã hội nhưng không thể sánh bằng việc hội ngộ với nhau bằng da bằng thịt được. Nên khi trường cho nghỉ tết, mình về quê ngay".

Tuyết Ngân chia sẻ thêm: "Ngồi trên xe, mình cứ nghĩ miên man về những ngày đầu tiên đi học xa nhà. Hồi mới lên thành phố, mình "chân ướt chân ráo" nên cái gì cũng bỡ ngỡ. Mình thấy nhớ nhà vô cùng. Giờ đi xa nhà quen rồi, nhưng nỗi nhớ vẫn còn đó”.

Những chuyến xe mùa xuân thường mang theo vô vàn cảm xúc của những người con học tập và làm việc ở thị thành trở về quê nhà. Đó là niềm vui sướng, sự hồi hộp và cả những câu chuyện trong năm qua. Cận tết, trên đường về quê ở tỉnh Gia Lai, Lê Hồng Phúc (25 tuổi), ngụ tại 475 Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM thường nghĩ miên man đủ thứ chuyện. Đó là những việc Phúc đã làm trong năm cũ, những dự định chưa hoàn thành, kế hoạch trong năm mới…

Hồng Phúc nói: “Mình tranh thủ thời gian di chuyển từ TP.HCM về quê ở tỉnh Gia Lai và suy nghĩ mọi thứ trong đầu. Mình không muốn mang những chuyện buồn về nhà. Tết phải vui chứ không thể ngồi tính toán, lo toan cho năm mới”.

Trên chuyến xe về nhà, người trẻ suy nghĩ về những câu chuyện năm cũ, cảm giác về nhà đón tết

PHÚC KHA

Mỗi dịp tết đến xuân về là người trẻ được trở về đoàn viên bên mâm cơm gia đình sau một năm xa cách, thật ấm áp và hạnh phúc, bởi đi bất cứ nơi đâu thì nhà là nơi trở về.

Lê Thị Mỹ Huyền (22 tuổi), ngụ chung cư Sky 9, P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức (TP.HCM) bày tỏ: “Đi đâu cũng không bằng gia đình. Nghĩ đến giây phút được đi chợ tết với mẹ, cùng mẹ nấu mâm cơm cúng ông bà vào ngày 30 tết, ngồi nấu bánh chưng đêm giao thừa. Chỉ như thế thôi là đủ hạnh phúc, đủ ấm áp rồi”.

Khi tiếng nhạc xuân vang lên tưng bừng khắp phố phường, nhiều người trẻ đang vun vén những công việc cuối cùng, nôn nao lên xe về quê đón năm mới. Gắn bó với TP.HCM hơn 3 năm, nhưng mỗi lần lên xe, Nguyễn Thị Hoàng Thanh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM lại nhớ những bữa cơm của mẹ, cảm giác sum họp gia đình.

Hoàng Thanh nói: “Với mình nhà là nơi mong đợi được trở về. Mình nghĩ sự trưởng thành và sức khỏe là thứ làm ba mẹ thấy an tâm và vui vẻ. Cả một năm ở quê nhà ba mẹ giờ chỉ ngóng mong tới ngày giây phút đoàn viên, ăn mâm cơm chiều 30 tết”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.