Sơ thẩm vụ án Huyền Như giai đoạn 2
Theo quyết định của TAND TP.HCM, từ ngày 2 - 5.1.2018, cơ quan này sẽ xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (39 tuổi, quê Tiền Giang, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank) chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng. Bị cáo Như bị bắt giam từ 30.9.2011.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, từ đầu năm 2007, Như vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản nhưng thua lỗ. Để có tiền trả nợ, từ tháng 5 - 9.2011, Như lấy danh nghĩa huy động tiền gửi cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè (TP.HCM) để gặp gỡ, thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của Công ty CP thương mại và đầu tư Hưng Yên, Công ty CP đầu tư và thương mại An Lộc, Tổng công ty CP Bảo hiểm toàn cầu, Công ty CP chứng khoán Saigonbank và Công ty CP chứng khoán Phương Đông. Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản của họ mở tại VietinBank, Như lập chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn của mình thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của 5 công ty trên sang tài khoản của mình để rút ra trả nợ cá nhân.
Ở giai đoạn 1 của vụ án, ngày 7.1.2015 Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên Như hình phạt chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, khi Như và 22 đồng phạm có hành vi gian dối, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân khác.
Đồng thời, tòa phúc thẩm cũng hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm về nội dung Như lừa đảo hơn 1.085 tỉ đồng của 5 công ty nêu trên. Theo tòa phúc thẩm, hành vi của Như có dấu hiệu của tội tham ô tài sản, không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, cáo trạng của Viện KSND tối cao vẫn truy tố Như tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
|
Trầm Bê, Phan Huy Khang “chung xuồng” Phạm Công Danh
Từ ngày 8.1 - 7.2.2018, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2) và đồng phạm “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB).
Vụ án có 46 bị cáo, trong đó có Phạm Công Danh (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh); Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank); Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank)
Trong gần 200 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng được triệu tập đến tòa có những cái tên quen thuộc như nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà; ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Quý Thanh cùng con gái Trần Ngọc Bích; bà Hứa Thị Phấn...
Theo cáo trạng, từ năm 2013 - 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay tổng cộng 6.600 tỉ đồng tại Sacombank, TPBank và BIDV, sau đó rút ra tiêu xài. Để vay được vốn, Danh chỉ đạo chuyển hơn 6.600 tỉ đồng của VNCB sang gửi tại 3 ngân hàng này và dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ khoản vay của các công ty. Phi vụ này dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỉ đồng.
Đối với Trầm Bê, Phan Huy Khang, cáo trạng nêu cả hai biết rõ Danh không được phép vay tiền tại VNCB, nhưng giúp sức Danh rút tiền của VNCB gửi vào Sacombank làm tài sản bảo lãnh để Danh vay tiền của Sacombank. Khi Danh không trả nợ theo hợp đồng, Sacombank dùng tiền gửi của VNCB tại Sacombank để trả nợ thay, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng...
Trước đó, ngày 24.1.2017, Danh đã bị TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, y án 30 năm tù của TAND TP.HCM về 2 tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trong vụ án này, Danh và 35 đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng cho VNCB. Ngoài ra, bị cáo Danh còn tham gia vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương - Oceanbank), gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 540 tỉ đồng cả gốc và lãi. Ngày 28.8.2017, TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm “đại án” Oceanbank đã tuyên phạt Danh 14 năm tù về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng”. Tổng hợp hình phạt 30 năm tù từ vụ “đại án” Phạm Công Danh giai đoạn 1 nên Danh bị tuyên hình phạt chung là 30 năm tù.
Ngày 8.1 xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh
Ngày 8.1, TAND TP.Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC), liên quan đến bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí VN - PVN) cùng 21 đồng phạm (gồm Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC và nhiều nguyên lãnh đạo cấp cao PVC). Phiên tòa dự kiến kéo dài 13 ngày.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC với PVC trái quy định; sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này, cấp tạm ứng 6.607.500 USD, trên 1.312 tỉ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước gần 120 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)