Theo South China Morning Post, đây là lần đầu tiên các đại gia làng tiền mã hóa bước vào top những người giàu nhất Đại lục, bất chấp giá cả bitcoin và nhiều đồng mã hóa khác lao dốc từ đầu năm đến nay. Báo cáo Hurun thường niên mới nhất vừa được công bố cho thấy có ít nhất 13 người giàu từ tiền mã hóa vừa ghi danh vào danh sách các cá nhân có tài sản ròng ít nhất 2 tỉ nhân dân tệ, tương đương 209 triệu USD.
Micree Zhan Ketuan, nhà đồng sáng lập 39 tuổi của hãng Bitmain Technologies, là người duy nhất trong ngành tiền mã hóa lọt vào danh sách 100 người giàu nhất Trung Quốc. Ước tính tài sản của ông là 29,5 tỉ nhân dân tệ, tức 4,2 tỉ USD.
Nhà đồng sáng lập thứ nhì của Bitmain là Wu Jihan, doanh nhân 32 tuổi, là nhân vật xếp hạng cao thứ nhì trong dàn đại gia tiền mã hóa, đứng vị trí thứ 204 trong danh sách những người giàu nhất nước với tài sản 16,5 tỉ nhân dân tệ, tương đương 2,4 tỉ USD.
Bitmain có trụ sở ở Bắc Kinh, là nhà cung cấp thiết bị khai thác tiền mã hóa lớn nhất thế giới, có nhiều đối thủ như hãng Canaan Creative, Ebang International. Cả ba công ty đều nộp hồ sơ IPO sàn chứng khoán Hồng Kông. Đây sẽ là lần đầu tiên các hãng đào tiền mã hóa ra trước công chúng, chịu sự giám sát công khai.
|
Tổng cộng 9 cá nhân từ ba doanh nghiệp lọt vào danh sách Hurun, trong đó có nhà sáng lập Canaan, ông Zhang Nangeng và nhà sáng lập Ebang, ông Hu Dong.
Một số lãnh đạo sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới cũng có mặt trong danh sách. Đơn cử, ông Zhao Changpeng (CZ), doanh nhân 41 tuổi, nhà sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới xét theo khối lượng giao dịch Binance, là đại gia tiền mã hóa giàu thứ ba Trung Quốc, đứng hạng 230 trong bảng xếp hạng cả nước với tài sản 15 tỉ nhân dân tệ, tương đương 2,1 tỉ USD. Theo sau CZ là nhà sáng lập sàn OKCoin Star Xu và nhà sáng lập sàn Huobi Li Lin.
Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác từng đạt tổng giá trị thị trường 829 tỉ USD vào ngày 7.1, song sau bị thổi bay 600 tỉ USD giá trị 8 tháng sau đó, theo số liệu từ Coinmarketcap. Điều này làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư, dù các nhà đầu tư tổ chức như hãng quản lý tài sản lớn BlackRock vẫn lạc quan.
Dù Trung Quốc tăng nỗ lực áp dụng blockchain, công nghệ đứng sau tiền mã hóa, chính phủ nước này vẫn làm rõ rằng họ không muốn các nhà đầu tư bình thường tham gia giao dịch tiền mã hóa vì nỗi lo bất ổn tài chính. Sau khi Bắc Kinh mạnh tay với giao dịch hồi tháng 9 năm ngoái, nhiều sàn giao dịch và dự án blockchain Trung Quốc phải dời hoạt động ra nước ngoài bằng cách thiết lập văn phòng ở các khu vực pháp lý dễ chịu hơn như Singapore. Cả Binance, Huobi và OKCoin đều còn phục vụ khách hàng ở Đại lục.
Bình luận (0)