Nhiều đề xuất xung quanh mức giảm trừ gia cảnh

21/12/2024 06:13 GMT+7

Mới đây, cử tri các tỉnh thành kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân lên 15-18 triệu đồng/tháng, còn các chuyên gia thuế trước đó cho rằng nên từ 18-20 triệu đồng/tháng.

Cử tri kiến nghị lên 15-18 triệu đồng/tháng

Mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) đối với người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng. Trước đó, cử tri TP.Hà Nội phản ánh hiện nay giá cả, chi phí sinh hoạt của người dân đều tăng, quy định cá nhân không có người phụ thuộc phải nộp thuế khi có thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp. Cử tri đề nghị nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi nâng mức thu nhập từ tiền lương, tiền công phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tối thiểu từ 18 triệu đồng/tháng.

Tương tự, cử tri Trà Vinh đề nghị tăng mức quy định đóng thuế TNCN từ 11 triệu đồng lên 15 triệu đồng vì trong tình hình kinh tế hiện nay lương tăng, giá cả tăng… nên thu nhập chưa đảm bảo. Mức GTGC hiện nay được đánh giá là chưa thật sự phù hợp với mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân của cán bộ, công chức, người lao động. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, điều chỉnh mức GTGC trong tính thuế TNCN cho phù hợp với thực tế đời sống hiện nay sau khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Nhiều đề xuất xung quanh mức giảm trừ gia cảnh- Ảnh 1.

Cử tri và các chuyên gia kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân

Ảnh: ĐNT

Từ những phản ánh trên, các đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Hà Nội, Vĩnh Long, Trà Vinh kiến nghị mức GTGC để tính thuế TNCN nên tăng lên từ 15-18 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế.

Trước đó, một số cử tri cũng đã phản ánh với các đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Trả lời cử tri, Bộ Tài chính giải thích theo quy định của luật Thuế TNCN, chỉ số tiêu dùng (CPI) biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất (năm 2020) nên chưa thể điều chỉnh mức GTGC. Thêm vào đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay cao hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng là từ 0,5 đến 1 lần. Đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức GTGC đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay. Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tháng là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng.

Trả lời của Bộ Tài chính không nhận được sự đồng tình của người nộp thuế, cử tri cũng như các chuyên gia kinh tế... Bạn đọc tên Thuận thông tin đến Báo Thanh Niên: "Một điều vô lý là con tôi học đại học trung bình tốn khoảng 7-8 triệu/tháng (tiền ăn, tiền thuê nhà và tiền học phí) nhưng mức GTGC có 4,4 triệu/tháng. Vì vậy, theo tôi mức thu nhập trên 18 triệu mới phải chịu thuế và nên tăng mức GTGC lên theo thực tế".

Thuế TNCN lỗi thời là vấn đề "nóng" trong mấy năm gần đây, Quốc hội cũng đã có nhiều phiên thảo luận nhưng luật vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp.

Đề xuất lên 20 triệu đồng/tháng

Câu hỏi đặt ra là nếu điều chỉnh thì mức nào là phù hợp? PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đặt vấn đề mức GTGC chưa đến 5 triệu đồng/người thì liệu có đủ sống hay chưa. Theo ông, lập luận cho rằng mức GTGC hiện nay gấp 2,2 lần thu nhập bình quân đầu người, cao hơn các nước khác (chỉ 0,5-1 lần) là chưa chính xác. Vì cần nói rõ thu nhập bình quân đầu người ở nước ngoài đến vài chục ngàn USD mỗi tháng nên sự so sánh này là khập khiễng. "Thử hỏi những người đang sống tại Hà Nội, TP.HCM có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng có bóp bụng mà sống hay không?", ông Thịnh nói và cho rằng mức GTGC của người làm công ăn lương ở Hà Nội, TP.HCM cần phải từ 16 - 18 triệu đồng/tháng bởi mức GTGC phải dựa trên mức sống thực tế của người dân. Ngoài ra, lạm phát mỗi năm tăng 4%, năm sau tăng 4% trên nền tảng cao hơn thì đã khác năm trước. Do đó việc tính toán căn cứ theo biến động CPI để điều chỉnh mức GTGC là chưa hợp lý.

Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cho rằng khi sửa luật Thuế TNCN, điểm cần thay đổi lớn nhất là căn cứ điều chỉnh mức GTGC đối với người làm công ăn lương. Thay vì dựa trên chỉ số CPI biến động 20% mới thay đổi thì cần căn cứ 4 lần lương tối thiểu vùng. Chẳng hạn, lương tối thiểu vùng 1 như Hà Nội, TP.HCM… hiện nay là 4,96 triệu đồng/tháng. Như vậy mức GTGC cho người nộp thuế tại đây là khoảng 20 triệu đồng/tháng. Lương tối thiểu vùng mỗi năm đều điều chỉnh, nếu mức này tăng lên thì mức GTGC tự động tăng theo mà không phải xin điều chỉnh.

Tương tự, luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - cũng kiến nghị 4 lần lương tối thiểu, tương ứng hiện nay gần 20 triệu đồng đối với người làm công ăn lương ở khu vực 1. Việc tăng mức GTGC nhằm chia sẻ khó khăn với người nộp thuế hiện nay. Theo các chuyên gia, nhà nước cũng không phải lo ngại mức điều chỉnh này sẽ làm giảm số thu thuế cho ngân sách, vì thực tế, vào những thời điểm điều chỉnh tăng mức GTGC trước thì số thu thuế TNCN vẫn tăng lên.

Nhìn lại năm 2013, khi mức GTGC được điều chỉnh tăng từ 4 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế lên 9 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng, số thu thuế TNCN vào ngân sách nhà nước cũng tăng thêm gần 1.600 tỉ đồng, từ mức 44.959 tỉ đồng của năm 2012 lên 46.553 tỉ đồng. Lần điều chỉnh mức GTGC gần đây nhất vào năm 2020, đối với người nộp thuế lên 11 triệu đồng còn người phụ thuộc lên 4,4 triệu đồng, số thu thuế TNCN cũng tăng lên 115.150 tỉ đồng trong khi năm 2019 ở mức 109.406 tỉ đồng.

Số thu thuế TNCN gần như tăng đều trong 13 năm qua. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2023 đã tăng gấp 3,8 lần. Đó là chưa kể số thu của sắc thuế này tăng khá tốt trong năm 2024. Theo Tổng cục Thuế, số thu thuế TNCN trong 11 tháng đạt 106,9% dự toán năm. Cụ thể, số thu thuế TNCN năm 2024 dự kiến là 169.506 tỉ đồng thì chỉ 11 tháng đã đạt 181.200 tỉ đồng, chiếm khoảng 12,1% số thu nội địa. Thậm chí, số thu thuế TNCN 11 tháng đã vượt qua cả số thu sắc thuế này dự toán cho năm 2025 (ở mức 180.397 tỉ đồng). Tỷ trọng thuế TNCN trên tổng số thu ngân sách nhà nước liên tục tăng cao trong những năm qua. Chẳng hạn, năm 2011, tỷ lệ thuế TNCN trên tổng thu ngân sách nhà nước chiếm 5,33%, năm 2012 lên 6,12%, đến 2019 lên 7,04%, 2021 lên 8,02%, 2022 lên 8,98%, 2023 lên 9,08%.

Số thu thuế TNCN vượt 200.000 tỉ đồng vào năm 2027

Theo kế hoạch được Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 trình Quốc hội mới đây, số thu thuế TNCN năm 2026 tăng lên 195.019 tỉ đồng và năm 2027 lên 210.591 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.