Nhiều địa phương bắt đầu chấm thi tốt nghiệp THPT

12/08/2020 08:10 GMT+7

Ở kỳ thi năm trước, các sở GD-ĐT chỉ chấm bài thi tự luận, việc chấm thi trắc nghiệm do các trường ĐH đảm nhận; năm nay các sở GD-ĐT chấm toàn bộ bài thi của địa phương.

Hà Nội huy động hơn 500 giáo viên giỏi

Là địa phương có số thí sinh (TS) và bài thi lớn nhất nước, TP.Hà Nội sẽ phải tập trung cao độ cho công tác chấm thi. Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, bài thi của gần 79.000 TS đã được 143 điểm thi bàn giao an toàn, bảo mật. Ngày 11.8 bắt đầu làm phách bài thi.
Sở GD-ĐT Hà Nội đã điều hơn 500 giáo viên giỏi của các trường THPT trên địa bàn tham gia chấm thi.
Khu vực chấm thi của Hà Nội đã được kiểm tra và bảo đảm các điều kiện an ninh, an toàn, có đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24/24. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu cán bộ chấm thi phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt hằng ngày.
Ngoài 18 thanh tra của Sở GD-ĐT, Hà Nội còn có 5 cán bộ thanh tra Bộ GD-ĐT làm nhiệm vụ. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ hoàn thành chấm thi chậm nhất vào ngày 26.8.
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, cho biết ngày 11.8, địa phương này bắt đầu kế hoạch chấm thi. Trong đó có 2 ngày làm phách. Các cán bộ làm phách sẽ được cách ly cả khi làm phách và chấm thi. Với môn thi tự luận, sở này dự kiến sẽ chấm trong 9 ngày, từ 12 - 20.8. Các bài thi trắc nghiệm sẽ chấm từ 13 - 20.8. Theo ông Phê, Hưng Yên sẽ công bố điểm thi đúng kế hoạch của Bộ GD-ĐT, vào ngày 27.8.
Tại Hải Phòng, ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay từ ngày 11.8, sở này cũng bắt tay vào công tác chấm thi. Theo ông Tiến, trường hợp có kết quả bất thường, ban chỉ đạo chấm thi của TP sẽ rà soát sang vòng chấm thứ ba để có đối chứng vòng chấm đi/về nhằm đối sánh kết quả. “Nếu kết quả không thống nhất, sẽ chấm lượt 3 để có kết quả công bằng, chính xác nhất”, ông Tiến khẳng định.

Thí sinh hớn hở hoàn thành kỳ thi đặc biệt giữa đại dịch Covid-19

Hứa không lặp lại tiêu cực trong khâu chấm thi

Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, chiều 11.8, hội đồng làm phách bài thi tự luận bắt đầu làm việc. Bài thi tự luận được chấm chính thức từ ngày 13.8 với 90 cán bộ tham gia, dự kiến hoàn thành trong 1 tuần.
Phát biểu với lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi về kiểm tra công tác coi thi ở Hòa Bình, lãnh đạo UBND tỉnh này cho biết, tiêu cực tại Hòa Bình năm 2018 xảy ra lúc chấm thi. Khâu tổ chức thi có thể an toàn, nhưng làm thế nào để chấm thi cũng an toàn, không xảy ra tiêu cực nữa là rất quan trọng. Lãnh đạo tỉnh hứa với Bộ, cố gắng hoàn thành kỳ thi đảm bảo kết quả khách quan, trung thực.
Tương tự, lãnh đạo các sở GD-ĐT Sơn La và Hà Giang cũng đều nêu quyết tâm sẽ làm mọi cách để không lặp lại sai phạm trong khâu chấm thi như kỳ thi năm 2018.
Ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, cho biết sở đã huy động 95 cán bộ, giáo viên chấm thi tự luận; 22 người chấm thi trắc nghiệm. Các phòng làm việc và dự phòng được lắp camera theo quy định; 2 cán bộ công an tỉnh tham gia bảo vệ, giám sát chấm thi trắc nghiệm; tổ chức trực trông bài thi 24/24 giờ; khu vực chấm thi và phòng chấm thi có các phương tiện phòng cháy; có máy phát điện dự phòng. Sở đã trang bị máy móc với cấu hình cao, đáp ứng yêu cầu của Bộ GD-ĐT để chấm thi trắc nghiệm
Ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn, thông tin: “Tỉnh huy động 49 cán bộ tham gia ban chấm thi tự luận, trong đó cán bộ chấm thi trực tiếp là 42 người. Sở lựa chọn giáo viên ngữ văn các trường THPT trong toàn tỉnh có đủ năng lực, phẩm chất và tinh thần trách nhiệm tham gia chấm thi”.
Về chấm thi trắc nghiệm, ông Quyên cho biết, sở đã mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác chấm thi. Khu vực chấm thi trắc nghiệm và tự luận được bố trí độc lập, tất cả các phòng chấm thi, bảo quản bài thi được lắp đặt camera giám sát 24/24 (có bộ lưu điện và máy phát điện dự phòng); có đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy, có lực lượng công an, bảo vệ trực 24 giờ/ngày...

Chấm thẩm định những địa phương có kết quả bất thường

Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT yêu cầu với việc chấm bài thi tự luận, toàn bộ cán bộ chấm thi và cán bộ chấm kiểm tra bài thi tự luận phải chấm chung ít nhất 10 bài thi để thống nhất cách áp dụng hướng dẫn chấm, đáp ứng yêu cầu chấm thi nghiêm túc, khách quan, công bằng của quy chế thi và bảo đảm tiến độ, chất lượng chấm thi.
Tùy tình hình thực tế, trưởng môn chấm thi có thể tổ chức bốc thăm giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi. Mỗi bài thi tự luận được chấm 2 vòng độc lập. Với các bài thi có điểm lệch giữa 2 lần chấm trên 1,5 điểm, thư ký hội đồng thi chuyển túi bài thi còn nguyên niêm phong có điểm lệch cho trưởng môn chấm thi để tổ chức chấm lần 3 theo quy định.
Bộ GD-ĐT quy định chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi đã chấm xong (lần thứ nhất hoặc lần thứ hai) theo tiến độ chấm bài thi tự luận để phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi.
Việc chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT cũng có hướng dẫn rất chi tiết từng bước của quy trình chấm thi này nhằm bịt mọi “kẽ hở” có thể dẫn tới tiêu cực trong quy trình chấm thi. Theo đó, địa phương có trách nhiệm phải gửi dữ liệu chấm thi (theo tiến độ và mốc thời gian cụ thể) về Bộ GD-ĐT. Ví dụ, chậm nhất ngày 18.8 phải gửi dữ liệu ảnh quét bài thi gốc; ngày 24.8 gửi dữ liệu nhận dạng ảnh quét bài thi gốc đã sửa tất cả các lỗi và dữ liệu kết quả chấm thi trắc nghiệm sau khi chấm chính thức; chậm nhất ngày 22.9 phải gửi kết quả chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm...
Bộ GD-ĐT cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho TS, phần mềm sẽ cảnh báo tất cả các câu không nhận diện được đáp án TS lựa chọn (do TS tô quá mờ, tô nhiều đáp án trong cùng một câu, bỏ trắng câu...). Cán bộ xử lý phải kiểm tra và xử lý từng lỗi (nếu có).
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ tiến hành chấm thẩm định ở những địa phương có kết quả bất thường.

Sĩ tử gửi lời cảm ơn thầy cô, ba mẹ sau khi hoàn thành "kỳ thi lịch sử"

TP.HCM huy động khoảng 4.000 giáo viên
Chiều 11.8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất công đoạn làm phách.
Lãnh đạo Sở cho biết việc chấm thi tự luận đảm bảo 2 vòng độc lập. Một bài thi sẽ chấm ở 2 tổ khác nhau để đảm bảo một bài không quay lại giám khảo chấm lần 1.
Đối với các môn thi trắc nghiệm việc chấm thi được tiến hành trên phần mềm, quy trình chấm đảm bảo có sự giám sát chặt chẽ của công an, thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT, thanh tra Sở GD-ĐT từ lúc đưa đề thi tới lúc có kết quả.
Được biết, năm nay TP.HCM huy động khoảng 4.000 giáo viên, công nhân viên tham gia vào công tác chấm thi. Dự kiến ngày 19.8, TP.HCM sẽ hoàn tất việc chấm bài thi của khoảng 74.000 TS. 
Bích Thanh
Bình Phước tổ chức thi lại cho 1 thí sinh
Sáng 11.8, tại điểm thi Trường THPT Phú Riềng (H.Phú Riềng), Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước đã tổ chức cho TS Trần Thị Kim Trang thi bổ sung tốt nghiệp THPT năm 2020 môn địa lý bằng đề thi dự phòng.

Thí sinh đặc biệt thi tốt nghiệp THPT một mình: Vui lắm!

Trước đó, ngày 10.8, Trang nghĩ mình là học sinh giỏi cấp trường của Trường THPT Phú Riềng nên được miễn thi môn địa lý. Trong khi giám thị cũng nghĩ Trang được miễn thi, nhưng đến sau buổi thi mới phát hiện TS này có tên trong danh sách dự thi.
Mặc dù chỉ có 1 TS dự thi, nhưng các khâu an ninh, an toàn của kỳ thi đều được thực hiện nghiêm, đảm bảo đúng quy định. Liên quan sự việc hy hữu trên, ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, cho biết: “Hội đồng thi sẽ tổ chức họp và xem xét xử lý kỷ luật 2 giám thị liên quan theo đúng quy định”.  
Hoàng Giáp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.